Lào Cai: Chàng trai người H'Mông lên đời nhờ cây dược liệu
Kể về cơ duyên đến với nghề chưng cất tinh dầu dược liệu, Má A Nủ cho biết: “Năm 2013, anh tôi và bạn của anh ấy mang một nồi chưng cất tinh dầu nhỏ về bản, tôi cũng phụ giúp anh nấu tinh dầu. Sau một thời gian ngắn, anh tôi không làm nữa, tôi đã thay anh chưng cất tinh dầu và nghiên cứu các sản phẩm mới”.
Hoàn thiện sản phẩm
Ở Sa Pa, cây màng tang, chù dù và các loại thảo dược quý trong bài thuốc tắm của người Dao đỏ vừa có dược tính tốt, vừa có giá trị kinh tế cao, giúp chữa bệnh, làm đẹp, nguyên liệu lại dồi dào. Từ lợi thế này, Má A Nủ quyết tâm hoàn thiện sản phẩm từ các loại dược liệu trên và đây cũng chính là sản phẩm đặc trưng của HTX H’Mông Cát Cát.
Năm đầu tiên sản xuất, sản phẩm của HTX được bán cho du khách trong khu du lịch Cát Cát. Thời gian đầu, HTX không có nhiều đơn đặt hàng, khách hàng chưa biết tới sản phẩm của HTX nên việc sản xuất chỉ mang tính cầm chừng. Dù khó khăn chồng thêm khó khăn, nhưng Má A Nủ vẫn quyết tâm tìm mọi cách để khách hàng biết đến sản phẩm của mình.
“Khách du lịch đến Sa Pa là đối tượng đầu tiên tôi hướng tới. Qua các mối quen biết, tôi gửi bán sản phẩm tại các địa điểm du lịch”, Má A Nủ chia sẻ. Năm 2014, HTX bắt đầu đi vào sản xuất quy mô lớn và có lãi.
Đầu năm 2016, tình cờ Má A Nủ và các thành viên HTX biết đến một phiên chợ thực phẩm sạch ở Tp.HCM và mạnh dạn tham gia, qua đó mở ra cơ hội tiếp cận với khách hàng khu vực phía Nam và các tỉnh khác. Tháng 10 năm đó, HTX tham dự cuộc thi Dự án Khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Tại đây, Má A Nủ và các thành viên HTX có cơ hội giao lưu với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, để học hỏi tăng thêm kiến thức. Đến nay, HTX đã tạo dựng được các chi nhánh phân phối tinh dầu và các sản phẩm từ thảo dược tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM và một số spa, khách sạn ở các tỉnh khác.
Mô hình điểm khởi nghiệp
Hiện tại, HTX H’Mông Cát Cát đã trở thành mô hình điểm khởi nghiệp tại Sa Pa. Tuy nhiên, với gần 20 ha dược liệu để sản xuất tinh dầu, chàng trai Má A Nủ vẫn luôn băn khoăn là làm thế nào để xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững bởi sản phẩm do HTX làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường do thiếu nguyên liệu.
Ngoài hoạt động kinh doanh, Má A Nủ còn băn khoăn làm thế nào để bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh đã cùng với những người bạn trong HTX tổ chức những lớp học, dạy các trò chơi, điệu múa truyền thống của người H’Mông. Má A Nủ cũng thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% giá trị mỗi sản phẩm bán ra, góp vào quỹ để hỗ trợ những hoàn cảnh trẻ em khó khăn trên địa bàn, đồng thời mở các lớp dạy chiết xuất dược liệu cho trẻ em.
Nhờ những cố gắng và nỗ lực của mình, năm 2015, Má A Nủ vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của vinh danh những nhà nông trẻ xuất sắc có thành tích đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Anh cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp.
Ts. Hà Việt Quân - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổ trưởng Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về kết nối, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp chia sẻ: “Không ai truyền cảm hứng khởi nghiệp tốt hơn cho các bạn thanh niên dân tộc thiểu số bằng chính các bạn. Má A Nủ là một tấm gương như thế. Từ sự thành công của Nủ, những thanh niên dân tộc thiểu số sẽ có đủ sự tự tin để làm giàu trên chính quê hương mình. Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho người dân”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh