Lập hội đồng thẩm định kết quả thanh tra kinh doanh xăng dầu
DNVN - Ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Tiêu dùng trong tuần (từ 3-9/10/2022): Giá thịt heo tăng đến 10.000 đồng/kg / Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước: TTCK Việt Nam vẫn được vận hành bình thường theo hướng lành mạnh, bền vững
Theo đó, hội đồng này sẽ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của ba đoàn thanh tra được Bộ trưởng Bộ Công thương thành lập từ tháng 2/2022 liên quan tới việc thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Theo quyết định này, Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Phó Chủ tịch Hội đồng là ông Ngô Minh Đức - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do các đoàn thanh tra cung cấp; đồng thời Hội đồng này có trách nhiệm tiến hành thẩm định, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và bộ trưởng Bộ Công thương về báo cáo kết quả thẩm định.
Kết luận thanh tra sẽ được hội đồng thẩm định thẩm định trước khi ban hành chính thức.
Báo cáo kết quả thẩm định là một trong các tài liệu để Bộ trưởng Bộ Công thương tham khảo trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.
Thành viên của Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tham gia đầy đủ thời gian thẩm định, trường hợp vắng mặt phải được Bộ trưởng Công thương cho phép. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thẩm định vắng mặt, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì và ký những tài liệu cần thiết phục vụ việc thẩm định.
Nội dung thẩm định sẽ bao gồm kết luận những nội dung đã tiến hành thanh tra như xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở kết quả các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh.
Thời hạn thẩm định trong vòng 10 ngày, kể từ ngày hội đồng thẩm định nhận được đủ dự thảo kết quả thanh tra và tài liệu có liên quan được các trưởng đoàn thanh tra bàn giao. Các đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ ngày 10/10 Quyết định có hiệu lực, các trưởng đoàn thanh tra xăng dầu phải bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định.
Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra để làm rõ thêm nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công thương.
Đầu năm 2022, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành, để thanh tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp đầu mối.
Đến nay, mặc dù các kết luận thanh tra của từng đoàn thanh tra chưa được công bố chính thức và đầy đủ, nhưng Bộ Công Thương đã thông tin một phần nội dung kết luận này liên quan đến việc thi hành quyết định xử phạt bổ sung bằng hình thức tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với các doanh nghiệp đầu mối.
Theo đó, có 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại miền Trung bị tước giấy phép trong vòng từ 1 - 2 tháng, đã hoàn thành việc thực hiện mức xử phạt vi phạm và đã được trả giấy phép. Ngoài ra, với 5 doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước giấy phép trong vòng 1 tháng, Bộ Công Thương đã tạm dừng thi hành quyết định xử phạt.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, việc bị rút phép hoặc dù đang được tạm thi hành hình thức xử phạt này song cũng đã ảnh hưởng lớn tới việc tạo nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp. Điều này đã gián tiếp làm ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian qua, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, người dân phải xếp hàng nhưng thậm chí không mua được xăng dầu...
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo