Lập Tổng cục Quản lý thị trường không làm tăng đầu mối và nhân sự
Bộ Công thương: ‘Giá xăng đáng lẽ phải tăng hơn 1.000 đồng’ / Trong 9 tháng Việt Nam xuất siêu sang Anh hơn 3 tỷ USD
Dịch chuyển biên chế
Lý giải việc thay đổi cơ cấu lại tổ chức của lực lượng quản lý thị trường, cụ thể là việc nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường có nguy cơ làm “phình” thêm bộ máy quản lý, làm tăng nhân sự tại Bộ Công Thương, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 17/10 đã khẳng định, việc tổ chức lại bộ máy quản lý của lực lượng này nhằm phản ứng kịp thời hơn với những diễn biến phức tạp về gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả hàng nhái đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực địa bàn, liên tỉnh và liên vùng.
Ông Linh nêu rõ, trước sự phát triển kinh tế xã hội, gian lận thương mại nói chung, buôn lậu nói riêng ngày càng phức tạp. Các vi phạm bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Lễ Bàn giao Chi cục Quản lý thị trường 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về trực thuộc Bộ Công Thương. (Ảnh: moit) |
“Lực lượng quản lý thị trường là chủ công, phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan trong việc chống gian lận thương mại, buôn lậu… Trong khi các lực lượng biên phòng, hải quan đã hoạt động theo ngành dọc, từ đó đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cũng phải hoạt động theo ngành dọc cho phù hợp”, ông Linh nhấn mạnh.
Do đó theo ông Linh, Tổng cục Quản lý thị trường mới được thành lập với 63 Chi cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, nay chuyển thành Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Mặc dù cơ cấu tổ chức mới có làm tăng biên chế tại Bộ Công Thương, nhưng biên chế ở các địa phương lại giảm đi, vì thế số lượng biên chế nhìn chung vẫn không thay đổi, chỉ chuyển từ các địa phương về Bộ.
Nhấn mạnh điều này ông Linh cho biết, trước mắt, Bộ Công Thương ra quyết định giảm 164 đội Quản lý thị trường, mục tiêu đến hết năm 2020 Tổng cục sẽ giảm tới 375 đội Quản lý thị trường và khi đó, mỗi Đội Quản lý thị trưởng sẽ phụ trách địa bàn hơn huyện. Hướng đến năm 2019, Tổng cục sẽ xây dựng phương án thành lập cấp Cục Quản lý thị trường liên tỉnh nhằm làm tốt hơn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gian lận thương mại.
Lý giải thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 8/3/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực thi hành từ 1/9/2016 quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.
Sau đó ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tinh gọn lại 64 đầu mối trước đây, bao gồm 63 Chi cục Quản lý quản lý thị trường ở các địa phương và Cục Quản lý thị trường ở Bộ Công Thương. Số đầu mối giảm đi nên hoàn toàn không mâu thuẫn với tinh thần giảm đầu mối cũng như bộ máy của Bộ Công Thương, thậm chí nhân sự còn giảm.
Cắt giảm thêm 202 điều kiện kinh doanh
Liên quan đến việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3720, ngày 11/10/2018 về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trong giai đoạn 2019-2020.
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 539 điều kiện kinh doanh còn lại. Tính tổng cộng lại, Bộ Công Thương sẽ cắt giảm khoảng 879 thủ tục điều kiện kinh doanh, tương ứng 72% điều kiện kinh doanh của ngành và khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ đã trình Chính phủ ban hành tổng cộng 9 Nghị định, cắt giảm 677 điều kiện đầu tư kinh doanh. Động thái này được cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có biểu dương ngành Công Thương.
“Với số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, tính trên tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh được giao thì Bộ đã cắt giảm hơn 55% số điều kiện. Nếu tính trên tổng số 6,191 điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, Bộ Công Thương đã cắt giảm khoảng 11% điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo Bộ Công Thương, cùng với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ này cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Chính phủ điện tử theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương và thực hiện các nhiệm vụ do Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng