Thị trường

Liên kết để ổn định giá rau sạch đến tay người tiêu dùng

Nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng đã triển khai liên kết sản xuất với vùng trồng, vừa đảm bảo chất lượng rau sạch, vừa giúp hạ giá thành khi đến tay người tiêu dùng.

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội táo Washington tại siêu thị BRGMart / Tháo gỡ nút thắt tín dụng: Bất động sản liệu có được hồi sinh?

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là xu hướng được quan tâm hàng đầu. Nhu cầu về thực phẩm sạch, đặc biệt là rau sạch ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, rau sạch đi đôi với giá cao.

Tại một siêu thị của TP Hồ Chí Minh, giá cải thảo hỏa tiễn an toàn Đà Lạt đang được khuyến mãi 27.000 đồng/kg. Mức giá này đang thấp hơn giá thị trường khoảng 10%.

Hơn 2.000 sản phẩm rau củ quả các loại tại đây hầu hết là sản phẩm có chứng nhận VietGAP GlobalGAP, organic, OCOP, sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm... đều được đảm bảo mức giá ổn định, bằng hoặc thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%.

"Khi mua ở đây thì rất yên tâm, rau sạch tươi, so sánh giá ở đây với chợ thì không chênh lệch bao nhiêu, nhưng vào đây thứ nhất là mát, thứ hai là muốn an toàn sức khỏe cho cả nhà", chị Lê Thị Hòa Tuyết, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

"Trong siêu thị, chị nghĩ bảo quản nhiệt độ, rau chất lượng tươi hơn, ngon hơn. Giá cả hợp lý, không mắc hơn so với bên ngoài, không lo lắng về nguồn gốc xuất xứ", chị Phạm Thị Ngọc Ánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Để cung ứng rau an toàn có giá cả ổn định đến tay người tiêu dùng, hệ thống MM Mega Market Việt Nam đã liên kết trực tiếp các vùng trồng ở Lâm Đồng và các tỉnh thành khác, với hơn 500 ha diện tích trồng rau các loại, đồng nghĩa cắt giảm ít nhất 10% chi phí qua thương lái trung gian. Hiện mỗi ngày, hệ thống này cung ứng khoảng 60 tấn rau củ quả an toàn và dự kiến sắp tới sẽ tăng lên 100 tấn.

Liên kết để ổn định giá rau sạch đến tay người tiêu dùng - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Cắt giảm những chi phí trung gian, bởi vì chúng tôi làm trực tiếp với nông dân, từ nông dân như vậy giá sẽ cạnh tranh và cung cấp nguồn hàng ổn định, nhưng điều quan trọng nhất là làm việc với nông dân chúng tôi có đội ngũ kỹ sư, chúng tôi giám sát được quá trình sản xuất rau để có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh", ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Thu mua thực phẩm tươi sống, MM Mega Market Việt Nam, cho biết.

Còn tại hệ thống cửa hàng tiện lợi Foodmart, thị phần rau thủy canh, VietGAP... cũng chiếm trên 80% để đáp ứng nhu cầu tăng lên của người tiêu dùng. Không thu mua qua thương lái, hệ thống liên kết trực tiếp với 3 hợp tác xã (HTX) cung cấp rau sạch của TP Hồ Chí Minh để đảm bảo giá rau không bị đội lên cao.

"Tiếp tục hợp tác với HTX rau sạch khác để đảm bảo cung cấp nguồn rau sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý tới tay người tiêu dùng và khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn", chị Nguyễn Minh Thư, quản lý cửa hàng Foodmart, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Có thể thấy, với cách làm căn cơ là liên kết trực tiếp với vùng trồng, hệ thống phân phối không chỉ giám sát được chất lượng sản phẩm rau, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, mà còn giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn rau an toàn với giá cả hợp lý.

Mở rộng vùng trồng rau sạch để hạ giá thành

 

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ rau sạch của TP Hồ Chí Minh, là khoảng 200.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, khả năng tự đáp ứng của thành phố chỉ khoảng 30%. Để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đang mở rộng thêm vùng trồng để vừa tăng sản lượng cung ứng cho thị trường, vừa hạ giá thành sản phẩm.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc dự kiến mở rộng diện tích trồng rau thủy canh thêm 10.000 m2 trong năm nay, cho năng suất 2 tấn một ngày, tăng hơn gấp đôi so với hiện tại.

Theo tính toán của đơn vị, hiện trung bình mỗi sản phẩm rau bán ra là 15.000 đồng, nếu mở rộng vùng trồng và tăng năng suất lên thì có thể giúp hạ giá thành sản phẩm còn khoảng 10.000 - 12.000 đồng/sản phẩm.

"Nguyên vật liệu đều tăng lên rất nhiều, tuy nhiên HTX với chính sách là tiết kiệm, giảm các chi phí cũng như HTX sẽ mở rộng ra các vùng trồng tạo nhiều sản phẩm, nâng cao năng suất lên, giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng giảm giá thành nhiều hơn", ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc, cho hay.

Tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích gieo trồng các loại rau tại TP Hồ Chí Minh đạt chứng nhận VietGAP là hơn 16.500 ha, chiếm tỷ lệ 76% diện tích gieo trồng rau của thành phố. Việc các HTX không ngừng ứng dụng công nghệ vào canh tác, giúp sản phẩm rau an toàn tại TP Hồ Chí Minh ngày càng nâng cao chất lượng, được phân phối vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm uy tín. Nhờ vậy, đầu ra và giá cả ổn định.

 

"Trong tương lai tiến tới khi hội đủ tất cả các yếu tố với kinh nghiệm và với tất cả các chiến lược thì chúng ta sẽ tiến tới một cái thương nghiệp hiện đại không mang tiếng là giá cao hơn, giá cả sẽ hết sức hợp lý. Ở đây chúng ta hãy nghĩ làm sao để mua sản phẩm bổ dưỡng và sạch, bảo vệ sức khỏe cho mình thì đó là cách tiết kiệm tiền bạc tốt nhất", bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Hiện nay, rau an toàn được TP Hồ Chí Minh xác định là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học làm tăng năng suất, chất lượng, rau và các sản phẩm từ rau có tiềm năng mở rộng thị trường, không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, mà còn đi các tỉnh, xuất khẩu.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm