Xuất khẩu nông sản: Xây dựng thương hiệu thay vì đi "buôn chuyến"
Đà Nẵng: Nối lại việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới / Đồng bằng Sông Cửu Long chủ động ứng phó cao điểm xâm nhập mặn
Khơi thông thị trường cho nông sản
Việc Trung Quốc mở cửa lại thị trường từ ngày 8/1 là tin mừng đối với các doanh nghiệp của cả hai nước. Song để có được đột phá tại thị trường 1,4 tỷ dân này cần sự nỗ lực rất lớn từ người nông dân, đến doanh nghiệp và ngành chức năng.
Từ khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại đã có những tín hiệu tích cực cho thị trường nông sản của Việt Nam, đặc biệt về giá các sản phẩm nông sản. Theo phản ánh của báo Đại đoàn kết, sự tăng giá ghi nhận ở hầu hết các loại nông, thủy sản. Đặc biệt, rõ rệt nhất là trái cây, có mặt hàng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Theo một số trang báo, 3 tuần gần đây, giá sầu riêng bật tăng. Tại vùng trồng sầu riêng ở Tiền Giang, giá đã tăng gần gấp đôi khi thông tin thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại. Còn đối với quả thanh long, giá đã tăng gấp 3 lần so với trước đó.
Về lượt xe thông quan, theo Ban quản lý của khẩu tỉnh Lào Cai, chỉ tính riêng tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành tháng 1/2023 có 6.713 xe nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, đạt tổng giá trị gần 59 triệu USD, trong đó nông sản xuất khẩu chiếm đến gần 33 triệu USD.
Bỏ dần tư duy "buôn chuyến"
Bên cạnh các cơ hội cho thị trường nông sản khi Trung Quốc mở cửa, đi kèm là thách thức. Để những chuyến xe nông sản trên có thể thông quan, xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc là những thủ tục, giấy tờ chứng nhận đi kèm.
Trung Quốc hiện đã hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như liên tục tăng cường thực thi pháp luật nhằm đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp. Các quy định nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường quản lý nông sản nhập khẩu vào nước này, không chỉ riêng Việt Nam.
Quy định yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói…
Các sản phẩm của Việt Nam đều đang hướng đến các tiêu chuẩn an toàn như VietGap, GlobalGap hay HACCP. Nhưng theo báo Nông thôn ngày nay, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp kêu khó khi phải mất 6-7 tháng mới được duyệt hồ sơ cấp mã số vùng trồng.
Dẫn lời ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, tờ Nông thôn ngày nay cho biết, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Cục Bảo vệ thực vật như kiểm soát tốt dịch hại trên đồng ruộng, cũng như trong quá trình thu hái, bảo quản…
Về phía Cục cũng phối hợp chặt chẽ với hải quan Trung Quốc, cơ quan đại diện ngoại giao để thúc đẩy nhanh việc phê duyệt.
Một số mặt hàng nông sản không có hàng để bán
Một vấn đề nữa là tuy thị trường mở cửa trở lại, nhưng một số mặt hàng nông sản lại không có hàng để bán. Giá cá tra tăng mạnh từ 28.000 đồng/kg lên 31.000 - 32.000 đồng/kg. Giá tăng như vậy nhưng người nuôi hạn chế nuôi, nguyên nhân do giá thức ăn cho cá tăng liên tục khiến giá thành cá tra bị đội lên cao.
Còn lô khoai lang đầu tiên dự kiến cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc ngày 19/4, tuy nhiên người dân ở Vĩnh Long chia sẻ hiện nay ngoài đồng hầu như không có khoai. Đại diện hợp tác xã cho biết, rất cần có sự hỗ trợ, hợp tác của chính quyền, doanh nghiệp về vốn và giống để có thể tái sản xuất.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải chủ động mở rộng giao thương, tìm hiểu kỹ về đặc điểm, nhu cầu của thị trường mục tiêu để có thể đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Xuất khẩu nông sản: Xây dựngthương hiệu quốc gia
Đại diện Bộ Công Thương trên báo Nông thôn ngày nay nhấn mạnh cần có thay đổi trong cách thức tiếp cận thị trường Trung Quốc, tăng cường tiếp cận vùng, với từng địa phương ở Trung Quốc bởi mỗi địa phương đều có thói quen tiêu dùng, yêu cầu khác nhau.
Báo Thanh niên cho rằng cần thông qua các nền tảng trực tuyến giao lưu, kết nối với đối tác, tham gia quảng bá, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến của nước bạn, cùng với đó là vai trò cầu nối của các hiệp hội, hội chợ…
Để khẳng định giá trị của nông sản Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp diễn ra hồi tháng 1 vừa qua.
Tờ Tiền Phong bình luận, câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, hay gạo ST25 bị gian lận thương hiệu là những ví dụ điển hình về xây dựng và bảo hộ thương hiệu.
Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm thương hiệu quốc gia nhưng cần phải kiểm soát chặt việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý bởi mỗi loại trái cây chỉ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở một địa phương nhất định.
Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp, người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp