Liệu Việt Nam có trở thành 'công xưởng' sản xuất khẩu trang?
Để Việt Nam trở thành "công xưởng" sản xuất khẩu trang / Tiếp tục giảm giá xăng sau đợt giảm "khủng"
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Không dễ xuất khẩu khẩu trang
Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn, nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang còn có thể nâng cao hơn nữa.
Hiện nay, sản phẩm khẩu trang vải cơ bản là khẩu trang 2 lớp, trong đó có một lớp là vải kháng khuẩn. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cấp sản xuất các loại khẩu trang vải 3 lớp, 4 lớp. Ngoài lớp kháng khuẩn có thể có thêm lớp vải kháng nước, chống giọt bắn.
Các doanh nghiệp cũng có cải tiến về dây đeo, nẹp mũi để người dùng có thể sử dụng khẩu trang trong thời gian dài, đảm bảo khẩu trang vừa khít với khuôn mặt, nâng cao tác dụng che chắn, lọc khuẩn của khẩu trang.
Vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường khẩu trang trên thế giới sôi động sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Kỳ vọng là vậy nhưng thực tế lại rất khó khăn. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết đã có một số đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu của May 10 trong năm 2020)...Song vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp này đang gặp phải là Chính phủ hiện chỉ cho phép xuất khẩu đối với 25% sản lượng khẩu trang y tế với các đơn hàng có chỉ định, hợp đồng; còn 75% phải tiêu thụ trong nước, điều này sẽ hạn chế năng lực sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên), bày tỏ may khẩu trang không khó nhưng rất khó đáp ứng thủ tục của nhà nhập khẩu, bởi việc đạt chứng chỉ y tế của EU và Mỹ là hết sức khó khăn.
Ông Thời chia sẻ: "Thị trường xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ rất triển vọng trong bối cảnh dịch bệnh nhưng cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có được chứng chỉ đi châu Âu và Mỹ".
Thận trọng đầu tư
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố: Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.
Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.
Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
Chính vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.
Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, còn quá sớm để nói đến chuyện Việt Nam có thể trở thành "công xưởng" sản xuất khẩu trang hay không. Việc sản xuất khẩu trang chỉ là phương án tạm thời giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19 trong bối cảnh thiếu đơn hàng, sản xuất bị đình trệ. Nhưng sau khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu với mặt hàng này chắc chắn sẽ không còn cao như hiện nay, do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng và linh hoạt trong chiến lược sản xuất.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp dệt may, hiện nay, Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu đối với 25% sản lượng khẩu trang y tế với các đơn hàng có chỉ định, hợp đồng,điều này sẽ “bó” các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh khẩu trang.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, quy định trên được đưa ra để dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở trong nước, đảm bảo có đủ trang thiết bị cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa lường được hết diễn biến của dịch bệnh nên vẫn phải luôn đề phòng khả năng dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm tăng cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang thực hiện mua dự trữ khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch về lâu dài, vì vậy việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết.
"Trong trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được dịch Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước đối với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, các Bộ ngành có thể phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế", Cục Xuất nhập khẩu đề nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo