Thị trường

Lo gà nhập khẩu đánh bật gà nội

Những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại nhiều địa phương trên cả nước đang 'đứng ngồi không yên' do giá gà công nghiệp giảm sâu sau hàng chục năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là do lượng gà nhập khẩu tăng.

Hiện, tình hình chăn nuôi gà ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đáng báo động khi nhập khẩu thịt gà 8 tháng đầu năm đạt khoảng 55 triệu con, bằng 50% sản lượng gà lông trắng trong nước sản xuất cung cấp cho thị trường.

Giá gà giảm mạnh

Theo chia sẻ của một người nuôi gà tại Hà Nội, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, giá gà lông trắng (gà công nghiệp) giảm sâu từ mức 26.000 – 30.000 đồng/kg xuống còn khoảng 12.000- 13.000 đồng/kg.

Đến nay, giá gà tuy đã tăng lên khoảng 19.000 đồng/kg nhưng so với giá thành sản xuất là 24.000 – 25.000 đồng/kg vẫn là một khoảng cách khá xa. Đây là mức giá giảm sâu nhất trong 10 năm qua.

Không chỉ gà công nghiệp mà giá gà tam hoàng, gà ta, gà lai đông tảo,... cũng đang giảm mạnh khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Khó càng chồng khó khi thương lái còn lợi dụng xu hướng này để ép giá.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, do dịch tả lợn châu Phi, người dân bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi gà khiến nguồn cung trong nước tăng. Đồng quan điểm giá gà tăng do cung vượt cầu, ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, cho biết thêm tổng đàn gà của thành phố hiện vào khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, giá gà công nghiệp giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi.

Tính sơ bộ nếu mỗi trang trại nuôi 10.000 con, với giá bán 12.000- 14.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ lỗ khoảng 200- 250 triệu đồng khi xuất chuồng.

Thực tế, sản lượng gà công nghiệp tăng nhằm bù đắp lượng thịt lợn đang khan hiếm, giá lợn tăng cao nhưng người tiêu dùng vẫn quen sử dụng thịt lợn đẫn đến tình trạng dư thừa thịt gà.

Ngoài ra, thịt gà nhập khẩu giá rẻ ồ ạt đổ về Việt Nam đã làm gà trong nước rớt giá thê thảm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, số lượng thịt gia cầm nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 là gần 98,5 triệu tấn, gấp 4 lần so với cùng năm trước.

Riêng đối với gà lông trắng, lượng gà nhập khẩu ngày càng lớn khi ước tính mỗi tuần cả nước sản xuất được 3 triệu con gà thì lượng gà nhập khẩu là 1,7 triệu con. Giá gà nhập khẩu chỉ khoảng 18.000 đồng/ kg, trong khi giá thành gà nội địa cao hơn khoảng gần 40%.

Không chỉ mối lo mất thị phần thịt gà, người chăn nuôi trong nước cũng đang băn khoăn về việc bên cạnh các lợi thế của 2 hiệp định thương mại mới ký gần đây là CPTPP và EVFTA cũng phải đánh đổi, khi có nhiều mặt hàng, sản phẩm chăn nuôi của các nước xuất khẩu vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%, đặc biệt là đối với các sản phẩm trứng, sữa.

Giá gà giảm sâu là do cung vượt cầu.

Bảo vệ gà nội thế nào?

Thực tế, so với các nước trong CPTPP hay EVFTA, thì New Zealand, Úc, hay châu Âu đều có lợi thế về chăn nuôi, nhiều nước 80% sản phẩm nông nghiệp là chăn nuôi, nền sản xuất mạnh. Theo đó, sự băn khoăn của những người chăn nuôi là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ IV “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cũng thừa nhận thịt gà nhập khẩu khiến sức tiêu thụ gia cầm trong nước bị ảnh hưởng, nhưng chúng ta không thể sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho rằng giá gà giảm là do quy luật và chu kỳ bởi đã là chăn nuôi gia cầm thì có lúc giá lên, có lúc giá xuống, thậm chí xuống dưới giá thành, bởi đây là nhóm sản xuất có khá nhiều rủi ro liên quan đến thị trường, thiên tai, dịch bệnh.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng, thời hạn sử dụng... thịt nhập khẩu. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có chất lượng.

Về băn khoăn hàng ngoại lấn át hàng nội khi hội nhập, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi được đánh giá là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ông Dương cho biết trong quan hệ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, chúng ta phải chấp nhận các hàng rào mà thị trường nhập khẩu đặt ra.

Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng, vẫn thích ăn thịt gà ta thả vườn, nuôi 5-6 tháng chứ không chuộng sản phẩm thịt gà nuôi công nghiệp 45 ngày đã xuất chuồng. Do đó, cần phải biến sản phẩm thịt gà này thành lợi thế.

Ông Dương khẳng định, có thể năng suất không cao bằng các nước châu Âu, châu Mỹ nhưng sẽ đạt tầm khu vực. Bên cạnh đó là giá thành cạnh tranh mới có thể không lo bị đánh bật khỏi sân nhà. Đồng thời phải xây dựng các chuỗi sản xuất để cùng nhau chia sẻ về lợi nhuận cũng như rủi ro, truy xuất được nguồn gốc.

Hiện nay, hạ tầng đầu tư công nghiệp cho chăn nuôi trong nước đang ngày càng được đầu tư mạnh với kỹ thuật, công nghệ không hề kém cạnh các nước phát triển. Thêm điều kiện cần là phải có công nhân kỹ thuật làm chăn nuôi, kiến thức bài bản, như vậy mới giảm được giá thành, tăng năng suất.

Theo Vân Linh/Thời báo Kinh Doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo