Thị trường

Loại lá bỏ đi không ai lấy sang nước ngoài thành hàng đắt đỏ, đều đặn mang về 2 triệu USD/năm cho Việt Nam

Loại lá này có mặt ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, mang về giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam.

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cao kỷ lục / Xuất khẩu gạo năm 2024: Cần giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu “kép”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các loại lá trong tháng 10/2023 đạt 544 nghìn USD, ghi nhận mức tăng 0,8% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các loại lá đạt 5,7 triệu USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu lá tre đạt kim ngạch cao nhất. Cụ thể, Việt Nam thu về 1,31 triệu trong 10 tháng đầu năm 2023, giảm 22,1% so với 10T/2022. Lá tre chiếm tỷ trọng 22,9% trong các loại lá xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2022, đây cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với 2 triệu USD.

Ở Việt Nam, lá tre thường bị bỏ đi. Một số người dùng lá tre cùng với một số lá có tinh dầu cho mùi thơm như lá sả, lá hương nhu, lá khuynh diệp làm thuốc xông hơi trị cảm mạo. Tuy nhiên, những năm gần đây, lá tre đang trở thành mặt hàng xuất khẩu đem lại thu nhập khả quan cho người dân.

Loại lá tre được thu mua để xuất khẩu là tre bát độ hay còn gọi là tre bương. Tre bát độ rất khác với lá tre thường, chúng có kích cỡ to hơn hẳn. Tre bát độ là loại cây mọc hoang, xuất hiện rất nhiều ở vùng cao và cả đồng bằng.

 

f

Hiện ở Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sóc Sơn (Hà Nội) có rất nhiều người dân trồng tre bát độ để xuất khẩu. Lá tre sẽ được người dân thu hái sau đó bán cho các cơ sở thu mua. Trung bình lá tre tươi được thu mua với giá 7.000 đồng/kg, thời gian thu hái lá tre vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11.

Lá tre được thu mua cần phải đảm bảo chất lượng, lá phải to, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên, không bị rách, có màu xanh đều chứ không bị úa vàng. Loại lá càng to dài và có màu càng đẹp thì giá bán càng cao. Chúng được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất.

Sau đó lá tre sẽ được chuyển cho thương lái và xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm, trang trí thức ăn. Lá tre của Việt Nam được người tiêu dùng ở nhiều nước ưa chuộng vì có mùi thơm đặc trưng, để được lâu.

 

Giá lá tre tươi xuất khẩu vào khoảng 10.000 đồng/kg còn lá tre khô có giá 40.000 đồng/kg, cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ. Trên một số trang thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, có thời điểm lá tre của Việt Nam được bán sỉ với số lượng từ 100kg có giá 3-5 USD/kg, khoảng 73.000 - 122.000 đồng/kg, tùy số lượng đặt mua, còn giá bán lẻ từ 7-10 USD/kg, tức là lên tới hơn 170 - 240.000 đồng/kg.

Tre là một trong những loại cây phát triển nhanh nhất trong tự nhiên, có thể phát triển thành rừng sau chỉ 4 đến 6 năm, sau khi trồng có thể sử dụng bền vững.

Tre cũng là loại cây chủ lực mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Nước ta có diện tích tre lên đến 1.592.205 ha, phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha.

Tài nguyên tre Việt Nam rất phong phú và đa dạng, với hàng trăm loài, trong đó một số loài kinh tế cao như: luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm