Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Cần bàn tay "sắt và sạch" của Nhà nước
Chuyên gia Phạm Chi Lan đã đưa ra nhận định này tại Hội thảo "20 năm Luật Doanh nghiêp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng 18/11 tại Hà Nội,
Từ năm 1990 đến nay đã có 4 phiên bản của Luật Doanh nghiệp. Năm 1999, Luật doanh nghiệp (DN) ra đời trên cơ hợp nhất 2 đạo Luật Công ty và Luật DN tư nhân năm 1990 đã tạo lập một khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường, tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Luật DN ra đời nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật.
Qua 20 năm, Luật DN đã trải qua hai lần sửa đổi, thay thế (năm 2005 và 2014) và hiện đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Đây là phiên bản luật được xã hội kỳ vọng và nhiều người mong muốn phiên bản mới này sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân và DN những những phiên bản trước đây.
4 phiên bản của Luật Doanh nghiệp: Có thiên hướng "buộc tội" doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - người được mệnh danh là cha đẻ của Luật DN - khẳng định 20 năm qua, việc thực thi Luật DN đã để lại nhiều bài học. Và tại hội thảo sáng nay, ông Cung đã nhấn mạnh nhiều đến những hạn chế cần rút ra bài học để xây dựng dự luật mới hiệu quả.
Đánh giá về việc thực thi Luật DN, ông Cung đã phân tích dựa trên 4 tiêu chí. Cụ thể, về quyền tự do kinh doanh nhìn chung đã đạt được và liên tục gia tăng nhờ thực hiện nguyên tăc "negative list". Nhưng trong một số ngành thì vẫn áp dụng nguyên tắc "positive list" để kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp pháp, không phù hợp. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi "kinh doanh cái gì", còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu... vẫn còn nhiều việc phải bàn.
Về giảm chi phí tuân thủ: có giảm đáng kể những vẫn còn cao, đặc biệt là những chi phí phi chính thức (qua điều tra va báo cso PCI hàng năm). Tuy nhiên, giảm chi phí tuân thủ chủ yếu theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp giảm một cách có hệ thống chi phí tuân thủ.
Về tăng an toàn và giảm rủi tro trong kinh doanh, so với trước đây chắc có cải thiện nhưng cảm nhận có được từ thu thập thông tin, xem xét cách thức soạn thảo và thực thi pháp luật, khảo sát thực tế... thì đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp.
Về hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, các phiên bản trước của Luật DN không tiên liệu trước được trong tuân thủ; tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức; rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng và không đoán định được.
"Đây là miếng đất màu mỡ cho hoạt động thanh - kiểm tra DN. Là nguồn gốc của những rủi ro phạm vi trong việc tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là vấn đề mà bất kể ai kinh doanh đều gặp phải", Viện trưởng CIEM chia sẻ.
Ngoài ra, việc không đoán định được kết hợp với "hậu kiểm" chưa rõ ràng là một trong những điểm chưa thành công của luật DN. Thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng lại ở việc có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ tuân thủ pháp luật; Các cơ quan khác nhau, hiểu và thực thi pháp luật khác nhau, kết luận về các vụ việc của DN là khác nhau; có thiên hướng "buộc tội" DN. Có thanh, kiểm tra là có vi phạm của DN. Tuân thủ đúng pháp luật là thách thức và trong bối cảnh đó không an tâm đầu tư lâu dài và đầu tư lớn. Thanh tra, kiểm tra cùng với báo chí truyền thông có thể giết chết doanh nghiệp chưa đáng chết; làm mất mát lớn không đáng có đối với DN. DN thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Viện trưởng CIEM cho biết thêm, trong lần gặp gỡ cách đây ít ngày, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất trăn trở về vấn đề thanh, kiểm tra DN, đồng thời bày tỏ mong muốn trong nhiệm kỳ sắp tới đây, đặc biệt là chiến lược sắp tới phải nêu bật được vai trò của kinh tế tư nhân và muốn như thế thì phải có thiết chế để bảo vệ không những quyền tự do kinh doanh mà còn bảo vệ quyền của họ.
Ông Cung dẫn lại lời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, sau 20 năm, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có 2 điểm mới tại thời điểm hiện nay. Đó là đã có những tập đoàn tư nhân xuất hiện nhưng cũng nhiều doanh nhân tìm thẻ xanh ở bên ngoài.
"Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với tôi có rất nhiều thứ mới nhưng khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như đầu tàu, là động lực tăng trưởng. Thực tế cho thấy nhiều tập đoàn tư nhân xuất hiện nhưng cũng nhiều người tìm cách ra đi. Do đó, Nhà nước cần phải có chính sách giữ chân các DN tư nhân, khuyến khích họ để họ lớn lên hơn nữa", ông Cung chia sẻ.
Cần bàn tay "sắt và sạch" của Nhà nước
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh đến Luật DN 1999, trong đó đề cập đến những mặt tích cực. Đó là luật đã cởi trói cho DN quyền tự do kinh doanh, thủ tục thuận lợi, giảm chi phí...
"Nhưng tôi nghĩ rằng, trong xây dựng Luật DN 1999, qua kinh nghiệm và kết quả, phía Nhà nước cũng được rất nhiều. Cái được lớn nhất của Nhà nước là tạo được sự thay đổi trong tư duy, từ chỗ trước đây Nhà nước coi quyền kinh doanh là của Nhà nước thì giờ Nhà nước đã "ngộ" ra một điều quyền kinh doanh là quyền của người dân và DN, phải trả lại quyền đó cho người dân và DN.
Điều lưu ý thứ 2 là sự thay đổi tư duy của Nhà nước "quản được đến đâu thì mở đến đó". Đã có những ngần ngại về việc trao quyền kinh doanh cho hàng vạn DN ra đời cùng một lúc thì Nhà nước có quản được không? Hay có những vị ĐBQH đề xuất hay là quản được đến đâu thì mở đến đó, chứ không để cho DN tự do đăng ký kinh doanh. Rồi những quy định đã có thì không được thay đổi, chẳng hạn như 1 phường thì quy định chỉ được mở 3 quán phở.
"Luật DN năm 1999 đánh vào tư duy cản đến đâu mở đến đó mà Nhà nước cuối cùng với Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng ý là 85% chấp thuận Luật DN 1999. Như vậy Nhà nước và Quốc hội đã tự thuyết phục được với nhau để thay đổi tư duy "quản được đến đâu mở đến đó", chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
Đề cập tới bài học kinh nghiệm đối với Nhà nước, theo bà Loan việc soạn thảo luật rất quan trọng. Ngoài việc giao việc cho ai là đúng nhất, tốt nhất là quan trọng thì bài học đối với Nhà nước trong việc này cũng vậy.
"Sự đồng thuận không thể có được nếu không qua quá trình thảo luận công khai, minh bạch, tranh luận với nhau thẳng thắn để đấu tranh với những tư duy cũ kỹ, lạc hậu hoặc những mục đích riêng lẻ. Soạn thảo luật là một quá trình đấu tranh giữa các luồng tư duy, nhận thức, các lợi ích khác nhau. Minh bạch, công khai là cần thiết để lựa chọn phương án tốt nhất cho lợi ích chung của nền kinh tế", bà Lan nhìn nhận.
Ngoài ra, cần chọn lựa, giao việc soạn thảo cho những đơn vị, cá nhân có tư duy, kỹ năng tốt và tính độc lập để đảm bảo mục tiêu mong muốn. Đặc biệt, nữ chuyên gia này cho rằng, những nhóm lợi ích trái ngược với lợi ích chung không dễ dàng chịu thua một luật tốt. Muốn thắng những nhóm lợi ích đó phải có bàn tay "sắt và sạch" của Nhà nước.
"Sắt" mà không "sạch" thì không thể "sắt" được, vì nó chỉ "sắt" với một số đối tượng yếu thế còn đối với những nhóm lợi ích và có khả năng chi trả rất cao thì nhiều khi không còn "sắt" được nữa mà nó sẽ bị "bẩn". Do đó, Nhà nước rất cần dựa vào sức mạnh của xã hội và cộng đồng DN. Nếu bỏ qua sức mạnh này thì Nhà nước khó có thể thực hiện được các ý tưởng đã đề ra", bà Lan nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024