Lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế cuối năm đang giảm sút
Có nhiều tín hiệu tích cực trong những đầu năm nhưng từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đối mặt nhiều thách thức.
Đồng Nai: Vốn FDI đã vượt kế hoạch cả năm / Giá vàng hôm nay 15/8: Thế giới bất ổn, vàng dò đáy 18 tháng
Tăng trưởng kinh tế đang mất đà?
Đánh giá về một số nét nổi bật của kinh tế 6 tháng đầu năm, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, tăng trưởng nửa đầu năm ở mức cao, tổng sản phẩm trong nước GDP ước tính tăng 7,08%, có đóng góp của Samsung và Formusa.
Động lực tăng trưởng kinh tế thời gian này đến từ khu vực sản xuất, trong khi ngành khai khoáng vẫn tiếp tục tái cơ cấu, khai thác dầu thô đang giảm theo kế hoạch tác động do đó khai khoáng vẫn đang giảm. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm còn chịu ảnh hưởng lớn bởi một số sản phẩm như tăng trưởng của sản phẩm điện tử, máy vi tính, điện thoại di động. Đây cũng là quý cán cân thương mại đạt thặng dư do đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài. Trong khi khu vực FDI xuất siêu hơn 15 tỷ USD thì khu vực trong nước nhập siêu hơn 12 tỷ USD.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đối mặt nhiều thách thức như việc tăng giá đồng đô la Mỹ, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, đối mặt với hàng hóa NK từ Trung Quốc, sự biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế. Theo đó, sức ép đến sự ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn và lớn hơn năm 2017, đó là sức ép tỷ giá, lạm phát. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định kiềm chế lạm phát bình quân dưới 4% bằng việc không tăng giá điện, giảm giá dịch vụ y tế, không thực hiện điều chỉnh thuế GTGT…, đây là những giải pháp tích cực trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng nhanh.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt khoảng 6,83%. Tăng trưởng quý III và IV theo dự báo không có gì đột phá so với các năm trước. Trong đó, quý I tăng trưởng quý III ước đạt 6,72% và quý IV ước đạt 6,56%. Lạm phát bình quân theo kịch bản cơ sở theo dự báo sẽ trong khoảng 4-4,2%.
TS. Đặng Đức Anh cho rằng, tăng trưởng kinh tế 6 tháng ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây song “đang có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ”. Đây không chỉ là vấn đề cần lưu tâm của kinh tế nửa cuối năm 2018 mà còn là của cả giai đoạn 2019-2020. “Lực đẩy cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đang giảm sút. Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm chưa rõ ràng, trong khi công nghiệp chế biến chế tạo vốn được coi là động lực nhưng lại phụ thuộc FDI. Thu hút FDI đang bão hòa, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài đang mất dần nhưng không có động lức mới bổ sung. Bản thân công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu vẫn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị”, TS Đặng Đức Anh nói.
Thu hút FDI đang bão hòa, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài đang mất dần nhưng không có động lức mới bổ sung. Ảnh: ST.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấy tác động rõ nét, chúng ta chưa lượng hóa xem các chích sách đặt ra đã đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế. Nếu gạt FDI ra thì sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước, phụ thuộc vào vốn, ít căn cứ vào đổi mới sáng tạo.
Chiến tranh thương mại tác động trong dài hạn
Nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến cuối năm, để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch, tăng cường thu hút FDI từ Mỹ. Tiếp tục tăng cường năng lực công nghệ để thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ cao. Đồng thời, áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm đề phòng hiện tượng thoái vốn các nhà đầu tư nước ngoài; ứng phó với các biện pháp tăng cường bảo hộ thương mại từ Mỹ, cũng như có biện pháp tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chủ động đối phó với biến động về tỷ giá.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung hơn nữa cho XK để tìm thị trường. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chúng ta cần tránh việc không để cho hàng hóa Trung Quốc, thông qua Việt Nam để XK sang Mỹ. Nếu không làm tốt được việc này, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đánh thuế như Trung Quốc. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Tại tọa đàm về kinh tế 6 tháng cuối năm và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều ý kiến cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng là vấn đề sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, tuy chưa phải là những tác động trực tiếp nhưng cần hết sức cẩn trọng với tác động dây chuyền theo kiểu “domino” mà cuộc chiến này có thể mang tới cho Việt Nam. Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới GDP, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban, Ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, có thể phải tới năm 2021-2023 thì những tác động của chiến tranh thương mại sẽ ngấm sâu vào kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động. Theo dự đoán, năm 2021 GDP của Việt Nam có thể giảm 0,12%, đây là mức tương đối thấp, cả XK lẫn NK của Việt Nam cũng đều giảm.
Về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc trong dài hạn. Theo đó, việc Tổng thống Mỹ áp thuế trừng phạt lên các hàng hóa của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc tăng trưởng của toàn cầu suy giảm theo biên độ rộng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào XK như Việt Nam. Nếu căng thẳng thương mại càng leo thang, suy giảm tăng trưởng thương mại của toàn cầu sẽ càng lớn và Việt Nam khi đó sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
“Khi cuộc chiến thương mại leo thang và kéo dài, tỷ giá đồng Nhân dân tệ tiếp tục sụt giảm thì sẽ gây lo ngại của các nhà đầu tư dẫn tới việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc, tạo ra nhiều tác động trong đó có thể tạo nên sức ép của tỷ giá Đồng Việt Nam. Trong dài hạn cần tính đến tình huống khi Tổng thống Mỹ xem xét lại tất cả các mối quan hệ thương mại không công bằng của nước Mỹ, Việt Nam cần xem xét để cán cân thương mại Việt –Mỹ lành mạnh hơn”, TS. Phạm Sỹ Thành nói.
Trên thực tế, chính sách bảo hộ thương mại mà cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có tác động rõ nét trong 6 tháng cuối năm, song theo TS. Đặng Đức Anh, cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động. Tác động trực tiếp là chưa lớn nhưng gián tiếp đã thấy, đó là sự tăng giá USD, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. “Việc bán ròng của các nhà đầu tư ngoại đã xuất hiện, dù các nhà đầu tư ngoại chưa có xu thế rút khỏi thị tường, nhưng nếu chiến tranh thương mại căng thẳng thì không loại trừ việc họ rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam”, TS Đặng Đức Anh lưu ý.
Theo Báo Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo