Mô hình nuôi gà 'xanh' bằng thảo dược
Hưng Yên: Thu 300 triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi chim công / Nghệ An: Thu 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi lươn không bùn
Nuôi gà không kháng sinh
"Trong dân gian có biết bao nhiêu loại thảo dược có thể dùng được trong chăn nuôi. Như bà con ta xưa dùngtỏi, riềng, gừng, nghệ… trộn vào thức ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho gia cầm; hay để tăng hàm lượng dinh dưỡng thì có cácloại thảo dược như chùm ngây, đinh lăng… chế nước uống hàng ngày, cân đối tùy theo thể trạng đàn gà và thời gian, thời tiết… Đó là chưa kể đến các loại thảo dược dùng để điều trị bệnh..." - chàng kiến trúc sư mở trại chăn nuôi gà Bùi Minh Anh thao thao câu chuyện.
Niềm đam mê với chăn nuôi ngay trên vùng chiêm trũng quê hương đã thúc đẩy anh gây dựng trang trại gà đẻ trứng thảo dược rộng 1ha với đàn gà mía lên tới 15 nghìn con.
Không giấu nghề, ông chủ trang trại gà cho biết, tỷ lệ thảo dược trong thực ăn chỉ khoảng 5% (trên 90% là cám, thức ăn từ thực vật của trang trại) nhưng có đến 40- 50 loại thảo được khác nhau sẽ được hòa trộn theo đúng chu kỳ sinh trưởng và phát triển của đàn gà. Gà được chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh với thức ăn đầu vào là thực vật tự nhiên phối trộn thảo dược. Phân gà được ủ nuôi ruồi cánh đen quay lại làm thức ăn cho gà và bón đất trồng thảo dược.
Trại gà được trang bị camera giám sát và gà được thư giãn bằng âm nhạc. Gà trước khi vào trại nuôi đẻ trứng sẽ được đưa vào khu chăn thả, coi như bước rèn luyện để tăng khả năng đề kháng tự nhiên...
Xác định thế mạnh của Việt Nam là nguồn thảo dược thiên nhiên rất phong phú, Bùi Minh Anh bắt đầu hướng phát triển chăn nuôi theo hướng "xanh".
Minh Anh bảo, thay vì giống gà công nghiệp cho năng suất cao nhưng sức đề kháng kém, giống gà Mía - giống gà tiến vua nổi tiếng từ làng Đường Lâm xưa, được đưa vào thử nghiệm. Suốt 2 năm ròng nuôi thử nghiệm, vợ chồng ông chủ 8x không biết đã có bao nhiêu lứa gà thất bại. Nhiều đàn gà không dùng kháng sinh chưa kịp đẻ đã bệnh chết…
“Thời gian đầu cám không đạt chuẩn, gà còi cọc, không lớn. Khi bị bệnh không dùng kháng sinh khó trị. - Minh Anh nhớ lại. "Cho tới nay, để có được 1 ha trại gà đẻ trứng, chúng em tự chủ vùng trồng 2,7ha thảo dược và thực phẩm”
Vừa mày mò, vừa học hỏi, vừa đem cám đi xét nghiệm và qua nhiều lần chỉnh sửa, đến nay, đàn gà đã đạt 15 nghìn con, cho trứng gà thảo dược thương phẩm từ tháng 4/2020. Quan trọng nhất với ông chủ 8x, một chu trình chăn nuôi "xanh" hoàn toàn không dùng kháng sinh đã được định hình.
Hướng đi bền vững
Đến với trang trại gà Go Fresh Việt Nam tại thôn Mai Lĩnh, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hệ thống chuồng trại sạch sẽ, ấn tượng nhất là mùi thảo dược thoang thoảng tỏa ra.
Một hệ thống xử lý rác thải khoa học đi từ hệ thống các tầng nuôi được bố trí hợp lý, chất thải chăn nuôi được xử lý bằng vi sinh vật, trùng...; cho chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, cách ly với nguồn lây bệnh từ bên ngoài.
Cùng với đó, hệ thống cho ăn, uống nước tự động không để lắng đọng thực ăn còn hay lưu cữu nước uống. Tất cả đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất cho gà đẻ trứng.
Bắt đầu từ tháng 4/2020, trứng gà thảo dược của trại bắt đầu bán ra thị trường với thương hiệu Trứng gà Mía thảo dược Saschi. Đây cũng là thời điểm xã hội cách ly bởi dịch COVID-19. Thay đổi kịp thời trước khó khăn, Saschi đến với người tiêu dùng bằng kênh tiêu thụ online và ngay lập tức chinh phục người dùng bằng chất lượng.
Tháng 6, trang trại cho xuất bán tới 30.000 quá trứng và được đặt hàng số lượng gấp đôi tháng trước từ tháng 7 trở đi. Dự tính đến tháng 12 , lượng tiêu thụ sẽ là toàn bộ sản lượng trang trại hiện có là tổng 280.000 trứng/tháng và 9 tấn gà thịt/tháng (khoảng 6 nghìn con).
Với giá bán 6.000 đồng/quả trứng và 190.000 đồng/kg gà thịt, khả năng thu hồi vốn 7 tỷ đồng bỏ ra được cho là trong tầm tay.
Với những thành công bước đầu từ mô hình nuôi gà thảo dược, ông chủ 8x đang tiếp tục đầu tư trang trại với mô hình nuôi lợn thảo dược. Đây thực sự là bước phát triển mang tính tầm nhìn bởi an toàn sinh học đang là mấu chốt cho chăn nuôi bền vững trước tình hình dịch bệnh trên vật nuôi ngày càng phức tạp hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo