Mỗi năm thu 1 tỷ đồng nhờ tuyệt chiêu cho nấm “ăn” gạo, đỗ tương
Bãi bỏ cấp phép nhập khẩu tự động xe máy phân khối lớn / Giá vàng hôm nay (21/9): Thời biến động, vàng leo dốc
Bỏ nghề đóng gạch để trồng nấm
Trước đây, người dân xã Nghĩa Hưng (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có nghề truyền thống đào đất đóng gạch, đốt bằng lò thủ công. Lúc cao điểm, xã có đến gần 100 lò gạch ngày đêm xả bụi, khói; không khí luôn ngột ngạt vì bị ô nhiễm môi trường. Từ năm 2012, thực hiện chủ trương của nhà nước xóa bỏ các lò vôi, lò gạch thủ công, nhiều gia đình trong xã đã chuyển sang các mô hình kinh tế khác, nhất là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Anh Đồng Văn Hiệplà người tiên phong trồng nấm ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang)
Anh Đồng Văn Hiệp (sinh năm 1981), ở thôn Khoát đã chọn cho mình mô hình trồng nấm sạch, để thay nghề đóng gạch “cha truyền con nối”.Anh kể, sau khi bỏ nghề cũ, anh và nhiều hộ trong thôn được xã cho tham gia các lớp dạy nghề nông thôn do huyện tổ chức.
“Chẳng biết duyên số thế nào tôi lại đăng ký học mô hình trồng nấm ăn, dù trong xã chưa ai từng trồng và cũng chẳng ai tham gia học. Thế nhưng, càng học tôi lại càng mê vì trước đây ăn cọng nấm rơm, hái cây mộc nhĩ đều trong tự nhiên, nay mình có thể tự tay trồng thì hay quá. Với cả nguyên, vật liệu trồng nấm cũng chẳng khó kiếm, giá rẻ...” , anh tâm sự.
Hăm hở về nhà sau khi có lưng vốn kiến thức, anh Hiệp bàn với gia đình gom vốn và vay mượn thêm bạn bè để đầu tư trại trồng nấm. Khu lò gạch cũ trước kia của gia đình được thay bằng 4 dãy nhà gần 1000 m2; tận dụng rơm, rạ và mua mùn cưa để làm giá thể trồng, nấm giống thì được huyện hỗ trợ.
Lúc đầu, anh Hiệp trồng 2.000 bịchnấm sò và mộc nhĩ, đây là hai loại nấm dễ trồng và dễ tiêu thụ. Nhờ nhanh nhạy kết hợp lý thuyết được học vào thực tiễn sản xuất, ngay vụ đầu anh đã thành công, nấm phát triển tốt và cho thu lãi gần 100 triệu đồng.
Anh Hiệp kiểm tra nguyên liệu làm giá thể trồng nấm.
Trồng nấm cũng phảikhéo như... nuôi gà, lợn
Tuy bước đầu có thu nhập nhưng anh Hiệp vẫn băn khoăn vì năng suất nấm chưa cao; cây nhỏ và có “mã” không đẹp. Anh cẩn thận theo dõi, ghi chép và hỏi han các hộ trồng nấm ở xã khác, thậm chí sang Quảng Ninh, Hà Nội, lên Hòa Bình... để tìm hiểu. Cuối cùng anh kết luận nấm thiếu chất dinh dưỡng, ngoài ra các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng chưa hợp lý.
Để khắc phục, anh trộn thêm cám gạo, bột ngô, đỗ tương vào mùn cưa, rơm, rạ với tỉ lệ hợp lý, cân đối lại độ ẩm; sau đó, cho vào máy hấp, sấy để tiệt trùng và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho nấm. Đặc biệt chú ý kiểm soát nhiệt độ: mùa nắng nóng thì phải đưa ra giá thể nấm ra chỗ thoáng mát; khi thời tiết lạnh cần che chắn kỹ càng để bảo đảm quá trình sinh trưởng của nấm... Với mỗi loại nấm, chế độ dinh dưỡng, độ ẩm và nhiệt độ cũng khác nhau.
Anh Hiệpcho biết, để nấm mọc đều, chất lượng cao phải chú ý các yếu tố: dinh dưỡng, ánh sáng, nhiệt độ...
Nhờ đó, nấm mọc đều, sinh trưởng nhanh, cho cây to và đạt trọng lượng hơn trước rõ rệt. Anh Hiệp cũng đầu tư mua máy trộn mùn cưa, chất phụ trợ, lò hấp và máy đóng giá thể để sản xuất lớn. Hiện anh tập trung sản xuất các loại nấm sò, với giá thành phẩm từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg; mộc nhĩ có giá từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg khô; nấm rơm, nấm mỡ...
Anh Hiệp cho biết, những ngày đầu anh phải đến các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm để tiếp thị tìm đầu ra. Nhưng chỉ sau vài vụ, nhiều thương lái tự tìm đến đặt hàng để cung cấp cho các công ty thực phẩm sạch, các siêu thị lớn... Nhờ đảm bảo quy trình sản xuất nên sản phẩm nấm của anh đều và đẹp, tiêu thụ nhanh, nhiều lúc không đủ nguồn cung.
Đến nay, trang trại của anh đã mở rộng lên gần 10.000 m2, mỗi ngày xuất bán hàng tạ nấm, vào vụ cao điểm lên đến trên 1 tấn/ngày. Năm 2017, tổng doanh thu từ bán nấm của gia đình anh Hiệp đạt gần 1 tỷ đồng, cho thu lãi trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, mỗi người thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
10 lao động địa phươngđược anh Hiệp tạo việc làm, mỗi người thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: Để đẩy mạnh phát triển mô hình nấm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, năm 2017 huyện Lạng Giang đã hỗ trợ gia đình anh Hiệp 350 triệu đồng xây dựng nhà xưởng có hệ thống điều hòa nhiệt độ, giàn phun, tưới tự động... nhằm sản xuất nấm chất lượng cao.
"Huyện cũng xác định, nấm sạch Nghĩa Hưng là một trong những sản phẩm nằm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Lạng Giang. Trước mắt, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGrap cho mô hình, ông Nguyễn Văn Khương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương