Một vụ mía “đắng”
Người dân TP Hồ Chí Minh lại xếp hàng dài chờ vào siêu thị / 5 lời khuyên "vàng" từ người đầu tư lâu năm khi thị trường chứng khoán ngập sắc đỏ
Hơn 70ha mía vẫn chưa thu hoạch.
Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) được biết đến là vùng chuyên canh mía lâu năm, kinh tế của hàng trăm hộ dân đều dựa vào cây mía đường. Với hơn 170ha trong đó, gần 100 ha mía tại các thôn Phò Nam, Nam Mỹ, Lộc Mỹ, An Định, Nam Yên đang vào vụ thu hoạch của bà con đều nằm đồng cháy khô.
Vào thời điểm này năm ngoái, các hộ dân ở xã Hoà Bắc đang vào vụ thu hoạch, nhưng năm nay các hộ trồng mía ở đây dường như mất trắng với những sào mía cháy khô giữa đồng.
Gia đình bà Thái Thị Anh, 55 tuổi (thôn Phò Nam xã Hoà Bắc) trồng tất cả 15 sào mía. Chất lượng mía ép nước đạt chuẩn vị ngọt, thanh. Tuy nhiên, hơn 80% số lượng mía của gia đình bà vẫn nằm ngoài đồng.
Bà Anh cho biết: "Nếu như những năm trước, ở thời điểm này mía đã được thương lái thu mua và xuất bán đi các tỉnh lân cận. Mỗi vụ thu về cũng được hơn trăm triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình thì năm nay giá giảm sâu, tăng thêm số lượng cây/bó mà vẫn không có thương lái đến thu mua, bán không được là bỏ. Nếu bán được cũng không đủ tiền giống, tiền phân, phí vận chuyển...
Đáng lý, ở thời điểm này, người dân đã bắt đầu vào vụ mới nhưng năm nay, mía vẫn nằm cháy khô giữa ruộng.
Bình quân mỗi sào mía thu hoạch được 90 bó, cao lắm được 100 bó. Lãi từ cây mía đã thấp, lại phụ thuộc vào thương lái nên mùa nào bà con cũng bị ép giá, khổ lắm. Nông dân chúng tôi chỉ hy vọng chính quyền quan tâm, giúp đỡ tìm đầu ra ổn định cho cây mía Hòa Bắc để bà con bớt lao đao".
"Trước đây, mỗi sào mía, người dân thu hoạch được từ 7 -10 triệu đồng. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, mỗi sào mía chỉ thu được chừng 2 - 3 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… đã mất 4 - 5 triệu đồng/sào, nên hầu hết người trồng mía đều bị lỗ nặng", bà Anh nói thêm.
Ruộng mía cháy khô, hư hỏng vì quá ngày
Trong 20 sào mía của gia đình anh Lê Văn Dũng (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) đến kì thu hoạch thì đã có hơn 4 sào bị hư hại hoàn toàn. Anh Dũng vừa nói vừa chỉ vào những sào mía đang rủ rượi của mình: "Trồng mía trải qua nhiều công đoạn, một vụ mía trồng và chăm sóc cả năm mới thu hoạch nên chỉ mong lúc thu hoạch mía chất lượng tốt, được giá thu mua thì vất vả mấy cũng được. Nhưng mía năm nay, mía còi cọc một phần do thời tiết khắc nghiệt, đợt lũ lụt cuối năm 2020 làm ngập úng hư hỏng nhiều, đến nay dịch lại bùng phát không có thị trường tiêu thụ. Lúc chưa bùng dịch giá 60.000 - 70.000đồng/ bó/25 cây thì đến nay dù đã quá ngày mía xuất, giá giảm còn 40.000 – 45.000 đồng/bó/30 cây nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. Dịch bệnh kéo dài, hàng quán đóng cửa, thiếu vắng du khách dẫn đến việc tiêu thụ mía xay bị ảnh hưởng nên đầu ra nông sản cũng vì thế gặp nhiều bấp bênh".
Trước tình hình đó, chia sẻ khó khăn trước mắt của bà con, nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ mía đã được triển khai và nhận được tín hiệu khả quan. Các tổ chức Hội, đoàn thể, Công an TP Đà Nẵng cũng đã vận động cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên cùng tham gia hỗ trợ; thực hiện các điểm bán hàng nước mía đóng chai (nước mía ép nguyên chất) để hỗ trợ một phần đầu ra cho người dân với giá bán 20.000 đồng/chai 1,5 lít.
Nông dân thôn Phò Nam vào vụ thu hoạch mía
Ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, đến thời điểm hiện tại lượng mía trong dân vẫn tồn đọng hơn 70 ha chưa được thu hoạch, với tổng sản lượng khoảng 2.000 - 2.500 tấn mía cây. Tính đến trưa 15/7 đã có khoảng 2000 chai nước mía, tương đương gần 3000 lít nước mía đã được tiêu thụ.
“Toàn xã Hòa Bắc có khoảng hơn 170ha mía với hơn 350 hộ dân trồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra, thương lái không thể thu mua để tiêu thụ ở các tỉnh lân cận mà chủ yếu tập trung trong nội thành. Do vậy, mía tiêu thụ rất chậm. Cây mía đến mùa vụ không thu hoạch để quá thời gian mía hư. Trước thực tế này, UBND xã Hoà Bắc đã có văn bản gửi Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị có phương án hỗ trợ người dân liên kết các quán có tiêu thụ mía. Theo đó, mía của nông dân xay ra và đóng chai, đóng thùng được lực lượng đoàn viên thanh niên gom lại các đơn hàng chở đi giao ” – ông Nam cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên những cánh đồng mía toàn xã thuộc giống mía K92, ROC16 kháng sâu bệnh tốt, cây mía đẹp, nước mía ép ra có màu vàng sáng, ngọt thanh. Mía Hòa Bắc được tiêu thụ rộng rãi ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình. Mía bán chạy nhất là vào mùa hè, nắng nóng, do nhu cầu uống nước mía giải khát tăng cao. Vào khoảng tháng 8, bà con ít trồng mía trái vụ (mía muộn) nên mía bán được giá hơn (60.000 – 70.000 đồng/bó). Tuy nhiên đó là những năm trước, còn hiện nay việc bán ra ngoại tỉnh là rất khó vì dịch bệnh.
Trước đây bà con cũng được tập huấn trồng giống mía đường để bán cho nhà máy sản xuất đường cát nhưng rồi kết quả cũng không đi đến đâu vì đầu ra hạn hẹp. Một số hộ khác được chính quyền cử người đi học nghề nấu đường bát, khôi phục lại lò đường, nhưng vì không có thị trường tiêu thụ, giá bán không đủ lời nên bà con cũng chán nản, bỏ nghề.
Để giúp nông dân tiêu thụ cây mía, Hội Nông dân TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cấp hội kết nối với các đơn vị, ủng hộ mua mía ép đóng chai với giá 20.000 đồng/chai 1,5lít. Đây là giải pháp trước mắt để hỗ trợ nông dân trồng mía. Ngoài ra, Hội Nông dân TP còn phối hợp với các đoàn thể triển khai các điểm bán hàng nước mía đóng chai, chung tay tìm nguồn tiêu thụ mía cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo