Người dân TP Hồ Chí Minh lại xếp hàng dài chờ vào siêu thị
TP Hồ Chí Minh: Xem xét mở cửa lại một phần chợ đầu mối Thủ Đức / Quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU vào năm 2022 để gỡ ‘thẻ vàng’ của EC
Chiều nay (14/7) - ngày thứ sáu TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - hàng loạt cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn tại khu vực Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh… rất đông người dân xếp hàng dài chờ đến lượt vào mua sắm.
Hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều yêu cầu khách đến khai báo y tế, cũng như đo thân nhiệt, đồng thời giữ khoảng cách, nhưng do khá đông nên tình hình nhiều nơi khó kiểm soát.
Tại siêu thị BigC Phú Thạnh, người dân phải chờ dưới tầng hầm để được mua thực phẩm.
Ghi nhận tại cửa hàng Bách hoá xanh (trên đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú), hàng dài khách đứng ngồi lê liệt chờ đợi, tuy người dân có mang khẩu trang nhưng do lượng người đông nên nhiều chỗ không bảo đảm khoảng cách an toàn phòng dịch.
Theo chia sẻ của chị Duyên (quận Tân Phú) - người đến mua sắm tại cửa hàng, chị và mẹ đợi gần 30 phút mới được vào cửa hàng mua thực phẩm.
“Tôi đã cố tình đi vào đầu giờ chiều để khỏi phải xếp hàng, nhưng không ngờ khi đến thì thấy rất đông người đứng đợi trước từ lâu rồi. Nhiều thực phẩm bên trong cửa hàng dù tăng giá nhưng đã bán gần hết”, chị Duyên nói.
Chị Ly, nhân viên thu ngân làm việc tại cửa hàng cho biết, từ sáng sớm hôm nay (ngày 14/7), người dân liên tiếp đến cửa hàng để mua sắm lương thực, thực phẩm. Điều này đã khiến cửa hàng quá tải và phải huy động mọi nguồn lực, cũng như hoạt động hết công suất.
Dù hàng hoá về mỗi ngày nhưng cửa hàng Bách hoá xanh vẫn thường xuyên thiếu thực phẩm do lượng khách hàng đến mua sắm lớn.
Tương tự, tại siêu thị AEON Tân Phú, rất đông người dân đến đây mua sắm. Một nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, từ khi thành phố thực hiện giãn cách, hôm nay số lượng khách đến mua sắm đông hẳn. Nhân viên siêu thị đã rất vất vả trong việc thực hiện giãn cách, yêu cầu người dân tuân thủ 5K khi đi siêu thị.
Trao đổi với PV, anh Minh Đức, cư ngụ tại quận Bình Tân chia sẻ, thực hiện giãn cách xã hội nên gia đình chỉ đi mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, nhưng dạo này lượng người mua sắm tại siêu thị tăng so với trước đây. Bên cạnh đó, đôi khi xếp hàng đến lượt được vào mua thì lại rơi vào thời điểm một số mặt hàng chưa kịp được bổ sung lên quầy, kệ.
Đồng quan điểm, chị Thuỳ Dung, cư ngụ tại quận Tân Phú cho hay, trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gia đình sử dụng cả hai kênh mua sắm tại chợ truyền thống và siêu thị. Nhưng, hiện giá cả nhiều mặt hàng ngoài chợ tăng đột biến nên ưu tiên đi siêu thị mua hàng bình ổn thị trường. Mặt khác, giá cả hàng hóa tại kênh bán lẻ hiện đại nếu có tăng cũng không "té nước theo mưa" như ngoài chợ hoặc bán buôn trên mạng xã hội… "Sáng nay đi mấy cửa hàng tiện lợi đều không có nên chiều tôi phải chạy qua đây, nhà hết sạch rau xanh rồi. Ai ngờ giãn cách mà siêu thị vẫn đông quá”, chị Dung nói.
Bên trong các khu vực thực phẩm của siêu thị AEON Tân Phú, người dân vẫn chưa thực hiện khoảng cách an toàn theo quy định.
Ghi nhận bên trong khu vực bán rau củ quả, thịt cá của siêu thị AEON Tân Phú vào chiều 14/7, hàng hóa đầy ắp các kệ hàng, người dân thoải mái lựa chọn mà không lo thiếu hàng hóa như trước. Tuy nhiên, tại đây người dân tập trung rất sát nhau, chưa bảo đảm khoản cách 2 mét theo quy định.
Trước thông tin người dân dỗ xô đi mua thực phẩm, ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ có thể do vài luồng thông tin chưa chính xác, gây hoang mang.
Theo ông Phương, hiện nay, hàng hoá thực phẩm vẫn được cung ứng tới người dân bình thường. Nguồn hàng không thiếu nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống phân phối đang giảm do tình hình lây nhiễm dịch bệnh diễn ra phức tạp. Các địa điểm bán hàng không đủ để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Hàng hoá trong các hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh vẫn bảo đảm cung ứng đủ cho người dân.
Bên cạnh đó, người dân phải thực hiện xếp hàng, giãn cách, không được vào mua hàng thoải mái như trước. Đây là khó khăn chung của tất cả các tỉnh, thành khu vực miền Nam, không phải của riêng TP Hồ Chí Minh.
"Sẽ không có chuyện đóng cửa hết các siêu thị, điểm bán hàng vì dịch bệnh. Kể cả trong trường hợp bất đắc dĩ phải đóng cửa, Chính quyền thành phố cũng sẽ có trách nhiệm chuẩn bị hàng hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chính quyền không thể để người dân đói. Sở Công thương cũng đang nỗ lực hết sức, bằng mọi cách, mọi giá đưa hàng hóa về phục vụ cho người dân”, lãnh đạo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh