Năm 2019, kinh tế Việt Nam phải đột phá để vượt qua bốn loại "bẫy" ven đường
Đào thất thốn giả, mai đỏ Trung Quốc trên thị trường hoa Tết Việt / Ổi, táo 'cháy hàng', vụ Tết nông dân thu hàng chục triệu
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Năm 2018, kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng cao và hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Ông có góc nhìn và đánh giá gì về những thành tựu vừa đạt được?
- Năm 2018 phải khẳng định là bức tranh kinh tế rất tích cực, tiếp nối được đà tăng trưởng cao của năm 2017, tăng trưởng kinh tế năm nay 7,08% là một điều đáng mừng (tăng 7,08%). Như vậy, là có thêm một chỉ tiêu nữa (lên 9 chỉ tiêu) vượt mục tiêu Quốc hội giao.
Như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, việc kinh tế chúng ta tăng trưởng cao hơn nền kinh tế Trung Quốc một phần do chính nỗ lực của chúng ta, một phần do nền kinh tế Trung Quốc đang vào chu kỳ điều chỉnh và tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì đà tăng trưởng cao trong thời gian dài, do quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Có vậy mới thu hẹp được khoảng cách phát triển.
Với những thành tựu đạt được năm 2018, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra năm 2019 là 6,6-6,8%. Theo ông, chúng ta cần làm gì để đạt được mức tăng trưởng này trong bối cảnh nhiều thách thức?
- Với mức tăng trưởng 7,08% năm 2018, gần như chắc chắn chúng ta đạt mục tiêu bình quân 6,5% của cả giai đoạn 5 năm. So với quốc tế và khu vực, đây là mức tăng rất tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải duy trì được đà tăng trưởng cao này trong thời gian dài để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn, nhất là mục tiêu của tầm nhìn 2035.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nguy cơ rủi ro của năm 2019, với độ mở lớn của nền kinh tế như hiện nay, nền kinh tế nước ta sẽ chịu tác động rất lớn từ yếu tố bên ngoài.
Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 ở mức khiêm tốn, thậm chí chậm lại. Do vậy, mặc dù kết quả 2018 là rất tích cực nhưng chúng ta không nên quá lạc quan, phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng với quan điểm năm 2019 là năm bứt phá để về đích thành công của kế hoạch 5 năm.
Được biết, hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Chiến lược thu hút FDI giai đoạn mới. FDI là một trong những động lực cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, Bộ trưởng có thể chia sẻ những điểm mới được lưu ý trong thu hút các dự án tại Việt Nam?
- Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tính đến 20/12/2018, cả nước có 27.353 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD.
Việt Nam đang ở những năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030. Để thực hiện các mục tiêu phát triển và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, vượt qua “bẫy chi phí lao động thấp”, “bẫy giá trị thấp”, “bẫy công nghệ thấp” và “bẫy thu nhập trung bình”, định hướng thu hút và sử dụng FDI phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần ưu tiên thu hút FDI vào các ngành như công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.
Đồng thời, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày... nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Đặc biệt thu hút FDI phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng và từng địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường chung của vùng và cả nước, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo. Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, làm phá vỡ quy hoạch, dự án có giá trị đầu tư trên một đơn vị diện tích đất thấp.
Đồng thời, chúng ta phải đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút ĐTNN từ nhiều thị trường và đối tác. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển, các nước G7 để chủ động thu hút nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng từ các quốc gia này đầu tư vào những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại, có hiệu ứng lan tỏa cao trong nền kinh tế.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ban hành Nghị quyết 139 về cắt giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT dự thảo. Ông kỳ vọng như thế nào về tác động mang lại với cộng đồng doanh nghiệp?
- Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu và tham mưu cho Thủ tướng ban hành Nghị quyết 139. Đây là một hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động cải cách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Nghị quyết này nêu ra một loạt các giải pháp chính sách để cắt giảm chi phí tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp và các chi phí không chính thức phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về kinh doanh. Các giải pháp này bổ sung cho các giải pháp Chính phủ đã ban hành trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và nhiều văn bản chính sách khác.
Nghị quyết trên cũng nêu nhiều giải pháp cụ thể để làm rõ các quy định pháp luật, giúp doanh nghiệp dễ tuân thủ pháp luật hơn, đồng thời giảm thiểu các cơ hội nhũng nhiễu, gây phiền toái và chi phí không đáng có cho doanh nghiệp.
Tôi tin tưởng rằng việc thực hiện Nghị quyết 139 sẽ giúp cắt giảm một phần đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí chính thức và phí chính thức, cả chi phí tiền bạc và thời gian của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ có một môi trường pháp lý thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội được bảo vệ tốt hơn trước các hành vi phiền nhiễu, vô cảm của một bộ phận cá nhân thi hành pháp luật. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, cạnh tranh cao hơn.
Năm 2019, kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam là Hiệp định CPTPP có hiệu lực với thị trường rộng mở, Bộ trưởng có thể chia sẻ về cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam qua hiệp định FTA thế hệ mới này?
- Bước sang năm 2019, mặc dù nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại, thách thức từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có tác động nhất định đến các nền kinh tế khác có liên quan, trong đó có Việt Nam, nhưng triển vọng không phải là không có.
Tôi cho rằng chúng ta cần hết sức linh hoạt trong bối cảnh có nhiều thay đổi nhanh chóng, để tận dụng mọi cơ hội có được từ sự thay đổi đó. Thương mại và đầu tư có lẽ là hai lĩnh vực có nhiều dư địa về triển vọng để tận dụng các cơ hội mang lại.
Việc chúng ta thông qua hiệp định CPTPP trong năm 2018 là một yếu tố cần tận dụng ngay từ năm 2019 để mở rộng và phát triển thị trường.
Dòng vốn đầu tư toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019, trong đó khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn.
Vấn đề ở chỗ là chúng ta cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường, liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Giá heo hơi ngày 5/11/2024: Dao động trong khoảng từ 58.000 đến 64.000 đồng/kg