Thị trường

Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 2 tỷ USD

DNVN - Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Lào năm 2024 đã có bước phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 2 tỷ USD.

Kỳ vọng gì từ Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào / Kế hoạch triển khai Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào

Phát biểu tại Hội nghị cấp chuyên viên Kỳ họp lần thứ 47 Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), ngày 8/1, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Viengsavanh Vilayphone cho biết, năm 2024, tăng trưởng GDP của Lào đạt 4,6% (kế hoạch 4,5%), thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra trong 4 năm liên tiếp.

Đáng chú ý, hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào năm 2024 đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước; củng cố và phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu của Lào từ Việt Nam đạt 641,8 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Hội nghị cấp chuyên viên Kỳ họp lần thứ 47 Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.

Năm 2025, Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%. Lào sẽ tập trung thực hiện kế hoạch một cách có trọng tâm, khoa học, chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và phù hợp với tiềm năng thực tế.

Trao đổi về phương hướng hợp tác hai nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, hai bên cần tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao hai nước. Tiếp tục triển khai Chiến lược hợp tác 10 năm 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm 2021-2025. Trong đó, năm 2025 là năm cuối thực hiện hiệp định hợp tác 5 năm.

Hai quốc gia sẽ tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh - quốc phòng. Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, mỏ khai khoáng chế biến sâu, du lịch.

Đồng thời, xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... tham dự để thu hút đầu tư.

Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 10-15%; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để bảo đảm sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đề nghị hai Ủy ban hợp tác hai nước thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm