Kim ngạch thương mại Việt - Lào chưa tương xứng với tiềm năng
Gỡ "nút thắt" giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công / Đà Nẵng: Năm 2024, tổ chức hai đợt khuyến mãi kích cầu mua sắm
Ngày 8/4, Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith nhằm trao đổi, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác công nghiệp, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith cho rằng, để thúc đẩy thương mại giữa hai nước phát triển, hai Bộ Công Thương Việt Nam - Lào có 5 nhiệm vụ chính. Trong đó, ưu tiên nhiệm vụ xúc tiến thương mại và đầu tư, phấn đấu tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 10-15% so với năm 2023.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hợp tác trong lĩnh vực công thương là trụ cột trong quan hệ hai nước.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 1,63 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 533 triệu USD, giảm 18,7%, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,7%.
Ước 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 417,8 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ước đạt 148,3 triệu USD, tăng 16%, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào ước đạt 270 triệu USD, giảm 9,5%. Xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị... là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào. Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục nhập cao su, gỗ, quặng và khoáng sản từ Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, sau một năm 2023 đầy diễn biến khó lường, kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến các tín hiệu tích cực hơn. Cầu tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi, lạm phát được kiểm soát tốt hơn ở nhiều nền kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Lào đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong các năm gần đây, Lào đã chuyển từ vị thế nhập siêu sang vị thế xuất siêu sang Việt Nam. Điều này cho thấy năng lực sản xuất của Lào đang dần tăng lên. Lào đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho Việt Nam trong khối ASEAN.
Trong khi đó, thời gian qua, Việt Nam thời gian qua đã trở thành công xưởng của thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 735 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và nhóm các thị trường hấp dẫn nhất về thu hút FDI.
Chính vì vậy, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào.
Hai Bộ trưởng ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, hai bộ trưởng đã nhất trí về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa hai nước, gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước.
Thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam-Lào. Tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước. Phối hợp chặt chẽ để bảo đảm ổn định thị trường xăng dầu của Lào. Cùng với đó, tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường, phát triển thương mại điện tử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo