Nam Định: Trồng dưa lê Hàn Quốc cho doanh thu gần 200 triệu đồng
Qua đó, đã giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân Nam Định. Năm 2010, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, chuyên ngành kỹ sư bảo vệ thực vật, anh Khá xin vào làm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh.
Sau 2 năm trải nghiệm tại đây, với những kiến thức học được anh nuôi ý tưởng đưa công nghệ sản xuất mới áp dụng vào đồng đất quê hương mình. Nghĩ là làm, năm 2012 anh trở về quê hương làm việc tại Ban Nông nghiệp thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng để tích lũy thêm kinh nghiệm; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2015, anh Khá đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng trồng rau sạch công nghệ cao, sản xuất các loại rau, quả an toàn. Nhà mànglà tổ hợp kết cấu gồm khung giàn, màng mỏng và các vật tư phụ, kết hợp với nhau tạo thành nhà khép kín, bảo vệ cây trồng trước những tác động của thời tiết và điều kiện ngoại cảnh, tạo môi trường tốt cho cây sinh trưởng, phát triển, năng suất cao.
Anh Khá cho biết, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu trong nông nghiệp, bởi người dân ngày càng chú ý đến sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, có tính bền vững, hạn chế rủi ro do tác động của thời tiết, sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp.
Từ nhận thức đó, gia đình anh đã vay mượn của bạn bè, người thân 50 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 200 m2 để trồng rau. Theo anh Khá, nhà màng có ưu điểm ngăn sự xâm nhập của các loại côn trùng gây hại, do đó quá trình canh tác không cần sử dụng thuốc trừ sâu.
Để tiết kiệm nước và chủ động việc tưới, anh lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Với hệ thống này, anh có thể tưới nước tự động, căn chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn phát triển.
Thời gian đầu, gia đình anh chủ yếu trồng các loại rau ăn lá, củ quả truyền thống, đan xen thí điểm một số giống cây trồng mới. Quá trình thử nghiệm, anh nhận thấy, các loại dưa phát triển rất tốt trong điều kiện nhà màng, đặc biệt là dưa lê Hàn Quốc. Đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc nên đã nhân rộng thành cây trồng chủ lực của gia đình.
Trước khi đưa giống vào trồng, anh tiến hành khử trùng toàn bộ nhà màng, xử lý đất để loại bỏ mầm bệnh, ấu trùng sâu.Với 200 m2 anh Khá trồng 350 gốc dưa lê Hàn Quốc. Anh chia sẻ, loại cây này dễ thích nghi, phát triển tốt, suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây chỉ cần bón một lượng nhỏ phân lân, kali còn lại là sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục.
Do trồng trong nhà màng, nên việc thụ phấn cho cây phải tiến hành thủ công song việc làm này không tốn nhiều thời gian. Với mỗi cây dưa, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chỉ để từ 2 - 4 quả/cây, còn lại cắt bỏ toàn bộ nhánh và lá dưới gốc nhằm tập trung dinh dưỡng cho quả. Sau 75 ngày chăm sóc, cây bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Khá cho biết, dưa lê Hàn Quốc là loại dưa mới tại thị trường Nam Định nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, mùi thơm đượm, vị ngọt mát, dưa lê Hàn Quốc của gia đình anh luôn “cháy hàng” mỗi khi vào mùa thu hoạch. Vì vậy, chỉ sau 1,5 năm, gia đình anh đã thu lại được số vốn ban đầu và luôn có lãi năm sau cao hơn năm trước, giúp gia đình có tiền mở rộng diện tích canh tác lên 1.000m2 vào năm 2018.
Hiện dưa cho thu hoạch 3 vụ/năm. Mỗi vụ thu được 1,5 tấn quả, với giá ổn định 45.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm mô hình của gia đình anh mang lại doanh thu gần 200 triệu đồng.Nếu như khi mới bắt đầu, người dân trong vùng còn e ngại với phương thức trồng rau, quả trong nhà màng của gia đình anh Khá thì nay không ít người đang học tập, làm theo mô hình này. Hiện tại anh Khá đang giúp đỡ 4 thanh niên trong xã cùng xây dựng mô hình trồng dưa trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Anh Phạm Văn Tú ở khu phố 4, thị trấn Quỹ Nhất cho biết, tham gia mô hình trồng dưa trong nhà màng anh cũng như các bạn đã được anh Khá chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể từ cách xây dựng nhà màng đến việc trồng, chăm sóc cây. Đây là hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả giúp người dân, nhất là thanh niên có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Khá đã liên kết với 4 hộ dân ở thị trấn Quỹ Nhất tập trung ruộng đất xây dựng hệ thống nhà màng trên diện tích 1.800m2, nâng tổng số diện trồng dưa lê Hàn Quốc lên 2.500 m2.
Thời gian tới, anh Khá tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa lê Hàn Quốc theo chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGap). Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thuê thêm đất của người dân địa phương mở rộng diện tích trồng dưa lê Hàn Quốc và trồng dưa leo Baby Hà Lan. Khi hội đủ các điều kiện sẽ tiến tới thành lập hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất theo quy mô lớn và bền vững.
Ông Vũ Trọng Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Quỹ Nhất đánh giá, việc trồng dưa trong nhà màng của anh Khá và một số thanh niên ở địa phương là mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao đầu tiên tại Quỹ Nhất, giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân trên địa bàn.
Từ mô hình này đã gợi mở hướng đi mới để xem xét nhân rộng, tiến tới hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng mô hình sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết