Nền kinh tế không còn phụ thuộc vào tín dụng?
Ts. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết giai đoạn 2016 - 2017, dòng vốn tín dụng đóng góp 57% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, nhưng đến năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, dòng vốn ngân hàng chỉ đóng góp khoảng 46%.
Thay đổi tích cực
PGs.Ts. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng so sánh giữa tăng trưởng huy động với cho vay trong 9 tháng đầu năm nay có thể thấy “bức tranh” đang có sự thay đổi tích cực so với những năm trước.
Trong 2 năm 2017 và 2018, tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay, nhưng 9 tháng đầu năm nay có sự thay đổi ngược lại, tăng trưởng huy động là 8,68%, cho vay đạt 8,40%.
“Chênh lệch huy động/cho vay những năm trước có thể dẫn đến nguy cơ thiếu thanh khoản ngân hàng, nhưng năm nay huy động cao hơn cho vay. Đó là tín hiệu tốt, sẽ giảm căng thẳng về thanh khoản”, ông Thế Anh cho hay.
Theo quan sát của các chuyên gia VERP, các ngân hàng thương mại đang cố gắng cân đối lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, thậm chí có thể giảm xuống xấp xỉ 30% trong thời gian tới. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc chạy đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng, đặc biệt là diễn ra ở các ngân hàng nhỏ do cơ cấu không lành mạnh.
“Tuy nhiên, thời gian tới, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn có thể giảm”, nhóm nghiên cứu VERP dự đoán.
Đánh giá về mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm, PGs.Ts. Phạm Thế Anh cho rằng tăng trưởng tín dụng sụt giảm so với các năm trước, tuy nhiên cơ cấu tín dụng vẫn tập trung vào các ngành ưu tiên như: công nghệ cao và xuất khẩu tăng 13,2%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, nông nghiệp nông thôn tăng 6%.
Dẫu vậy, theo ông Thế Anh, nên ưu tiên nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do ngành này năm nay đối mặt với nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, thực tế trong quý III vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển tương đối mạnh. Các doanh nghiệp trực tiếp phát hành trái phiếu để huy động vốn từ các nhà đầu tư, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn xé lẻ trái phiếu để thuận lợi hơn cho việc huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân.
Theo thống kê, quy mô trái phiếu doanh nghiệp tính đến ngày 24/9 đã lên đến gần 10% GDP, tăng 29% so với cuối năm 2018. Ngoài ra, lãi suất cho vay ở Việt Nam đang khá cao, trong khi lãi suất trên thế giới thấp.
Theo nguyên lý, dòng vốn sẽ tìm đến nơi thị trường có lãi suất cao hơn, vì thế dòng vốn vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp.
Thống kê trong 9 tháng đầu năm, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam thể hiện qua việc mua vốn các doanh nghiệp nội đạt hơn 10 tỷ USD.
Làn sóng vốn ngoại
Theo ông Thế Anh, xu thế trong thời gian tới, những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản ưa thích thị trường Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam được nâng hạng triển vọng toàn cầu, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam qua hình thức gián tiếp sẽ tăng mạnh.
Gần đây, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính của Hàn Quốc đã thành lập công ty ở Việt Nam, họ sẽ mang vốn trực tiếp từ Hàn Quốc sang Việt Nam để tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện các nhiệm vụ cho vay để hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất. Nguyên nhân là bởi lãi suất ở các nước rất thấp, chỉ 1-2%/năm, trong khi lãi suất cho vay ở Việt Nam từ 5 - 8%.
Do vậy, đây là thế yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, để “gọi vốn”, doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu với lãi suất 10 - 13%, trong khi các doanh nghiệp ngoại đưa vốn từ nước ngoài vào với giá rất rẻ, nên doanh nghiệp nội sẽ khó cạnh tranh.
Chẳng hạn, ngay trên thị trường chứng khoán, chỉ trong thời gian ngắn, các công ty Hàn Quốc mới vào chiếm thị phần rất nhanh, từ top 10 vào top 5. Thời gian tới, khi họ tăng vốn lên thì nguy cơ các doanh nghiệp nội mất vị trí dẫn đầu là hiện hữu.
Ngoài ra, Ts. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số điểm tích cực của nền kinh tế vĩ mô. Trong đó, ông Lực cho biết cần ghi nhận khách quan về con số tăng trưởng 8,2% của lĩnh vực xuất khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm 1,5% trong nửa đầu năm 2019.
“Tính sơ bộ, dòng vốn ngân hàng đã giảm dần nhưng nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy các dòng vốn khác như dòng vốn tư nhân và FDI giải ngân rất tốt”, ông Lực phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam