Thị trường

Ngân hàng hưởng lợi lớn từ dòng vốn rẻ

Lãi suất huy động giảm, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện và các gói vay có lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc. Từ thực tế này cho thấy các ngân hàng cũng được hưởng lợi rất lớn từ dòng vốn rẻ chảy vào ngân hàng.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 thấp hơn 6,5%: Tận dụng thời cơ trong nguy khó / Đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê đón nhiều tin vui

CASA-3559-1610613664.jpg

Tỷ lệ lãi cận biên bình quân các ngân hàng tăng mạnh theo từng quý. (Ảnh: Int)

Chưa bao giờ lãi suất huy động giảm kỷ lục như hiện nay. Covid-19 được dẫn giải là nguyên nhân chính, làm đứt gãy nhu cầu và sức hấp thụ tín dụng trong nền kinh tế. Và để hỗ trợ khách hàng giảm thiểu khó khăn bởi đại dịch này, các ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi suất huy động, nhờ đó giảm lãi suất cho vay.

CASA tăng nhanh

Đáng lưu ý, nhóm ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay không phải là 4 ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước như thường lệ, mà là Techcombank. Nhà băng này huy động lãi suất cao nhất cũng chỉ ở mức 5,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, còn đối với kỳ hạn 1 tháng từ 2,35 - 2,8%/năm, 3 tháng từ 2,5 - 2,9%/năm, 6 tháng từ 3,8 - 4,4%/năm, 12 tháng từ 4,3 - 4,9%/năm…

Trong khi Vietcombank, có lãi suất huy động thấp nhất từ 3% và cao nhất cũng lên 5,4%/năm. Còn BIDV, Vietinbank, Agribank thấp nhất là 3,1% và cao nhất là 5,6%.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tiếp tục giảm nhẹ đầu năm 2021. Cụ thể, ngày giao dịch 12/1, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 0,10%/năm, 1 tuần còn 0,46%/năm, 1 tháng còn 0,26%/năm, 3 tháng còn 2,45%/năm, 6 tháng còn 3,21%/năm và 9 tháng còn 4,41%/năm.

Tuy nhiên, một diễn biến đáng chú ý là dù lãi suất huy động giảm thấp kỷ lục nhưng doanh số huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng rất mạnh, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại thời điểm 21/12/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,14% trong khi huy động vốn tăng hơn nhiều: 12,87%. Đến cuối năm 2020, tín dụng tăng 12,13%, NHNN chưa công bố con số tăng trưởng huy động vốn, song theo báo cáo sơ bộ mới đây của một số ngân hàng cho thấy huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng.

Ví dụ tại TPBank, năm 2020, tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi tăng trưởng tín dụng khoảng từ 19-23%. Đáng lưu ý, trong cơ cấu tiền giửi của TPBank, tiền rẻ ngày càng lớn.Lãnh đạo nhà băng này cho biết tỷ lệ CASA trong năm 2020 tăng gấp 5 lần.

Tương tự tại Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cho biết, hết năm 2020 tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2019. Tỷ trọng CASA cuối kỳ đạt xấp xỉ 32%, tăng mạnh so với năm 2019.

Trong khi đó, với VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT cho hay, năm 2020, dư nợ tín dụng của ngân hàng này tăng 7,7%, trong khi huy động vốn tăng tới 11%. CASA tăng 15,5% so với năm 2019, tỷ trọng vốn rẻ trong tổng huy động vốn cũng cải thiện.

Biên lợi nhuận cao

Chỉ số CASA của các ngân hàng tăng dần qua các quý, đã hỗ trợ cho chi phí vốn của các ngân hàng tiếp tục giảm.

Theo báo cáo của công ty cổ phần Chứng khoán SSI, CASA đang tăng lên trên trên toàn ngành, bình quân tại 13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI đạt 20,9% (vào ngày 30/9/2020) - mức cao nhất trong 3 năm qua. Theo đó chi phí vốn đã giảm 0,37% trong 9 tháng năm 2020.

Từ thực tế trên cho thấy các ngân hàng cũng được hưởng lợi rất lớn từ dòng vốn rẻ chảy vào ngân hàng.

Theo phân tích của SSI, với biên lợi nhuận, NIM (tỷ lệ lãi cận lãi biên) của các ngân hàng chững lại trong quý II do lãi suất giảm, miễn trả lãi và các khoản vay được tái cấu trúc. Nhưng sang quý III, tỷ lệ này phục hồi lên mức cao nhất trong 12 quý liên tiếp. Nguyên nhân là do lãi suất huy động giảm, CASA cải thiện và các gói vay có lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành Báo cáo Chiến lược đầu tư 2021, trong đó đánh giá các ngân hàng có những lợi thế sau sẽ sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM như: Tỷ lệ CASA cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn, có thể dẫn đến giảm chi phí vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ: việc tiếp tục mở rộng mảng cho vay cá nhân với lãi suất cao hơn sẽ giúp cải thiện lợi suất tài sản, nhờ đó giảm áp lực lên NIM gây ra bởi đại dịch

Ngân hàng với khẩu vị rủi ro thấp sẽ có nợ xấu tăng chậm hơn, do đó giảm nguy cơ phải thoái thu nhập lãi.

Trong báo cáo mới đây của của công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong phạm vi 15 ngân hàng niêm yết được nghiên cứu, CASA được cải thiện mạnh mẽ giúp lãi suất huy động nhóm ngân hàng TMCP hàng đầu đều có mức giảm tương đối cao.

KBSV kỳ vọng NIM 2021 của toàn ngành sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong bối cảnh lãi suất huy động thấp.

Mới đây Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động thấp kỷ lục như hiện nay là cơ hội để ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải để ngân hàng hưởng biên lợi nhuận cao. Và kêu gọi các ngân hàng trong năm 2021 sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm