Thị trường

Ngân hàng không mua, dân bán vàng ở đâu?

DNVN - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng, vậy người dân muốn bán vàng do nhu cầu sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu. Ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không mua.

Phương án mới can thiệp thị trường vàng: Ngân hàng Nhà nước nói gì? / Khơi thông thị trường vàng: Mấu chốt vẫn là sửa Nghị định 24

Sáng ngày 11/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã thực hiện giải pháp nào để bình ổn và quản lý thị trường vàng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng, vậy người dân muốn bán vàng do nhu cầu sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không mua. Mặt khác, ngân hàng bán vàng chỉ có ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tại sao không bán ở các tỉnh thành khác trên cả nước?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi trước phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, bà Hồng cho rằng, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa can thiệp. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt.

Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu (đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013).

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng.

“Diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường, đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng”, bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn.
Về hoạt động hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi cơn bão số 3, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết về các chính sách hỗ trợ này.

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước đã cử lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước trực tiếp đi khảo sát ở tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh. Ngành ngân hàng xác định dư nợ của 2 tỉnh này chịu tác động của bão là khoảng 12.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3.

Bên cạnh đó, mỗi tổ chức tín dụng cũng cân nhắc, xem xét của cân đối nguồn vốn mình để đưa ra các gói tín dụng. Đến nay, đã có 35 tổ chức tín dụng đã công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động cũng như các khoản lãi suất cho vay ưu đãi hơn.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm