Ngân hàng loay hoay với room tín dụng
Xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2019 đạt gần 4 tỷ USD / Xăng dầu dự trữ quốc gia sẽ cất kho riêng, luân phiên đổi hàng
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn đang loay hoay với room tín dụng và không phải đề nghị nào cũng được chấp thuận, ngay cả với các ngân hàng đã hoàn tất basel II.
Số liệu đến cuối tháng 6/2019 cho thấy nhiều ngân hàng đã sử dụng gần một nửa hạn mức tín dụng cho phép, thậm chí có ngân hàng sử dụng gần cạn room được giao... Không ít ngân hàng trước đó đã xin nới room, đặc biệt là các ngân hàng đã hoàn tất basel II như OCB, Vietcombank, VIB, TPBank, VPBank, MB...
Một số ngân hàng được nới tín dụng
Trước đề nghị xin nới room của nhiều ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sau khi xem xét kỹ lưỡng và đã đồng ý nới room cho một vài ngân hàng.
Cụ thể, VPBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 16%; Techcombank cũng cho biết được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%; MB cũng được chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng từ 13% lên 17%. Và mới đây nhất, đại diện ACB cũng chia sẻ được nâng hạn mức cho vay từ 13% lên 17%.
Ảnh minh họa.
Lãnh đạo Sacombank cũng tiết lộ nhà băng này cũng được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tín dụng nhưng không nhắc con số cụ thể. Chỉ tiêu được phê duyệt đầu năm của Sacombank là 7%, nhưng chỉ sau 4 tháng, Sacombank đã chạm mức này và 6 tháng vượt trên 8%. Có thời điểm Sacombank bị hạn chế giải ngân, sau khi được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu, hoạt động cho vay của ngân hàng trở lại bình thường.
Việc nới chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được cho là động thái "bật đèn xanh" của Ngân hàng Nhà nước trước tình trạng một số ngân hàng gần chạm trần được giao sau 6 tháng đầu năm.
Một số chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên tăng trưởng, nới room tín dụng cho những ngân hàng đạt chuẩn Basel II sớm như một cách khích lệ những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng, an toàn vốn của các nhà băng.
Bên cạnh các ngân hàng đã được chấp thuận nâng chỉ tiêu tín dụng, một số đơn vị khác cũng đang kỳ vọng có thể được điều chỉnh như OCB, VIB, TPBank... nhưng chưa được chấp thuận. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của OCB gần chạm hạn mức được giao, đạt 18%/20%. Ngay từ đầu quý 1, OCB đề xuất nới room tín dụng lên 30%.
Tại TPBank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 13% và mục tiêu dư nợ cho vay của ngân hàng này năm nay là 101.000 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 21%. Với VIB, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của nhà băng này là 35% và đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở "room" đến con số này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, cho biết: quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đối với tăng trưởng tín dụng là thận trọng, tiếp tục theo mục tiêu định hướng từ đầu năm. Do đó, việc nới room tín dụng sẽ tiến hành rất thận trọng, đảm bảo các cân đối chung không bị ảnh hưởng.
Sẽ xem xét nới room nhưng không nhiều
Số liệu 5 tháng đầu năm cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn thị trường ở mức 5,75%; đến 18/6, Tổng cục Thống kê đưa ra con số tăng trưởng là 6,22%; và đến cuối tháng 6, con số được Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên đến 7,33%.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tín dụng đã tăng 1,58%. Do đó, có những lo ngại rằng, nếu các ngân hàng được nới room tín dụng có thể khiến tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, theo mùa vụ, tín dụng thường tăng mạnh trong 2 quý cuối năm, nhất là vào quý IV, do cầu vốn của doanh nghiệp tăng trong mùa kinh doanh cao điểm. Các ngân hàng có mức tín dụng tăng cao trong 2 quý đầu năm và đã hoàn tất Basel II, chưa được cấp phép nới room, đều mong muốn được cấp phép để có dư địa cho vay trong 2 quý cuối năm.
Dự báo đến quý 3, một số nhà băng có thể đụng trần hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý IV sẽ mạnh nhất so với các quý còn lại, khoảng 5%. Quý này, các doanh nghiệp cần vốn cho sản xuất kinh doanh và nếu tín dụng bị ngưng thì doanh nghiệp sẽ gặp khó về vốn.
Dự đoán khả năng là đến cuối quý 3, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ các yếu tố kinh tế vĩ mô để xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng, đặc biệt trong điều kiện lạm phát dưới 4%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng phải đảm bảo an toàn, không làm phát sinh nợ xấu. Các ngân hàng cho vay vượt chỉ tiêu tín dụng được cấp là vi phạm, sẽ không được nới hạn mức.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề cập các ngân hàng lớn hiện nay không còn mở rộng cho vay. Đơn cử như Agribank đã "hết room" tín dụng, không tăng vốn đồng nghĩa không thể giải ngân, nếu cho vay sẽ vi phạm. Điều tương tự cũng diễn ra với VietinBank, Vietcombank. "Còn lại mấy ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ không tác động đáng kể", ông Hùng cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra ở mức 14% cho năm nay là phù hợp. Nhưng với một số nhà băng đã hoàn tất áp dụng Basel II, sớm cạn room tín dụng, nếu được xem xét nới room cũng được Ngân hàng Nhà nước tính toán tương xứng với hệ số an toàn vốn.
Dự kiến, khả năng nới room tại mỗi ngân hàng hội đủ điều kiện cũng sẽ không được nhiều để không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo