Ngành Dệt may kiến nghị Thủ tướng tiếp tục tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu khẩu trang y tế
Thủ tướng ký nghị quyết bỏ hạn chế xuất khẩu khẩu trang y tế / Việt Nam xuất đi hơn 415 triệu khẩu trang, giá chỉ 3.500 đồng/chiếc
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu khẩu trang trong nước và thế giới tăng đột biến. Các DN dệt may đã tập trung sản xuất khẩu trang để phục vụ người dân và một phần xuất khẩu. Theo số liệu của Hải quan, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã xuất khẩu 400 triệu chiếc khẩu trang sang nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là khẩu trang vải kháng khuẩn. Đây là cơ hội để các DN bù đắp một phần đơn hàng bị hủy, hoãn tiến độ đảm bảo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 20/NQ-CP, các DN mới chỉ được phép xuất khẩu khẩu trang vải và vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế chỉ được xuất khẩu với mục đích trợ giúp quốc tế và phải có giấy phép của Bộ Y tế. Mới đây, ngày 15/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, thiết bị y tế phòng chống dịch theo nguyên tắc sau khi đã đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng và dự trữ trong nước.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan sớm có hướng dẫn để DN tận dụng thời cơ bù đắp đơn hàng thiếu hụt. Bộ Y tế sớm đề xuất sửa đổi Nghị quyết 20/NQ-CP theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cho sản xuất, xuất khẩu khẩu trang y tế.
Ngành dệt may Việt Nam đã phải chịu tác động kép bởi dịch Covid-19, do nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu phụ thuộc 60% vào nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn trong quý I, từ 16/3 tới nay đã phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Đây là các thị trường chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành do các nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Hàng loạt các đơn hàng đã bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng, chậm thanh toán làm cho các DN dệt may gặp rất nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may tháng 3 giảm sâu (âm 27,2%) so với tháng 3/2019. Dự báo tháng 4 sẽ có khoảng 30% và tháng 5 có khoảng 50% lao động mất việc và thiếu việc làm.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề. Trước hết, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động.
Mặt khác, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch Covid-19 làm gián đoạn, các doanh nghiệp càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước với nhau.
Vấn đề khai thác thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp trước đây ít quan tâm do cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu luôn được mở rộng bằng các FTAs, nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do Covid-19, thì thị trường nội địa lại là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0.
Đối với ngành dệt may ,dịch Covid-19 tạo cơ hội sản xuất khẩu trang với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bù đắp một phần đơn hàng thiếu hụt, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Ngành dệt may đã xây dựng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là 42 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 tăng bình quân 6%/ năm. Tuy nhiên với tác động của Covid-19, khả năng năm 2020 ngành sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020.
Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác các thị trường tiềm năng mới mở như CPTPP, EVFTA và tương lai gần là RCEP để phấn đầu tăng bình quân 6%/năm giai đoạn 2020 - 2025.
Cùng với đó, đầu tư mới với công nghệ hiện đại, phát thải thấp nhất. Tập trung phát triển sản xuất không phát thải như sản xuất sợi, nhuộm công nghệ ít nước hoặc không nước. Nỗ lực cạnh tranh và xây dựng doanh nghiệp theo hướng đáp ứng được tiêu chí của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may cần ứng dụng hiệu quả các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu 2025 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 55 – 60 tỷ USD nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay, như vậy năng suất lao động trên đầu người sẽ tăng khoảng 50%.
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 20/4, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị nhiều vấn đề, trong đó, ngoài các nội dung về thuế, thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó, đặc biệt quan trọng là quy hoạch các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung.
Hiệp hội cũng cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa cần sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thay đổi nhận thức "sính hàng ngoại" của người dân và để họ hưởng ứng tích cực hơn cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
End of content
Không có tin nào tiếp theo