Ngành điều khó vững vì căng thẳng nguồn cung
Hải Dương xuất lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên sang Nhật Bản / Hoa Kỳ chính thức điều tra chống trợ cấp với lốp xe ô-tô Việt Nam
Mới đây, ông Jim Fitzpatrick, chuyên gia cao cấp ngành điều, đưa ra dự đoán cầu về điều nhân sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong năm 2020, do vậy nhu cầu nhập khẩu điều thô của Việt Nam sẽ vẫn rất lớn.
Phập phù nguyên liệu nhập
Theo đó, nếu xu hướng diễn ra như năm 2019 thì Việt Nam sẽ nhập khẩu 946.000 tấn điều thô trong năm nay, cộng thêm sản xuất được 400.000 tấn (chưa kể nguồn dự trữ 205.000 tấn tính đến 1/6/2020). Thậm chí, nhu cầu về nguồn cung điều thô năm 2020 có thể lên đến 1.255.007 tấn nếu như nhu cầu từ thị trường tiêu thụ tiếp tục tăng trên 15%.
Ngay cả trong trường hợp diễn ra kịch bản xấu nhất là tiêu thụ điều nhân trên toàn cầu giảm, nguồn cung điều thô từ Tây Phi vào khoảng 650.000 - 890.000 tấn được cho là không đủ so với nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam và Ấn Độ.
Giới chuyên gia cảnh báo là có thể sẽ có một cuộc khủng hoảng nguồn cung điều thô. Trong khi đó, tuy giá điều thô được cho là tương đối ổn định dù có căng thẳng nguồn cung, nhưng giá điều nhân lại thấp - khoảng 2,8 USD/500 gram. Điều này khiến các nhà chế biến xuất khẩu (XK) hạt điều ở Việt Nam lo lắng sẽ ít mang lại lợi nhuận cho họ.
Ông Jim Fitzpatrick cũng lưu ý, ngoài yếu tố tác động của dịch Covid-19, thách thức lớn cho ngành điều vẫn là việc người tiêu dùng thích những sản phẩm chế biến tại nơi sản xuất hơn, bên cạnh vấn đề truy xuất nguồn gốc, môi trường, tính minh bạch, chất lượng.
Trên thực tế, vấn đề căng thẳng nguồn cung, phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu của Việt Nam đã diễn ra vài năm nay. Dù là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, nhưng sản xuất trong nước của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được từ 20 - 25% nguồn nguyên liệu chế biến.
Hồi năm 2017, Việt Nam nhập khẩu đến 1,275 triệu tấn điều thô để phục vụ chế biến, trị giá 2,533 tỷ USD. Năm 2018, lượng điều thô nhập khẩu là 1,19 triệu tấn, trị giá 2,33 tỷ USD. Đến năm 2019 thì lượng điều thô nhập khẩu đã đạt tới gần 1,6 triệu tấn, tăng 27,54% so với năm trước.
Theo số liệu của cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Algeria, kim ngạch nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ châu Phinăm ngoáiđạt 1,64 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2018. Các nước cung cấp chính là Bờ Biển Ngà, Ghana, Tanzania, Nigeria, Guinea, Burkina Faso, Benin, Senegal, Mozambique, Gambia…
Bên cạnh việc phụ thuộc nguồn cung điều thô từ châu Phi, giới chuyên gia cũng lưu ý các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu của Việt Nam cần tránh các rủi ro trong quá trình giao dịch. Đặc biệt là cần tiến hành kiểm định nguồn điều thô thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại (như Bitec International SA, Văn phòng Veritas) trước khi đưa hàng lên tàu.
Vươn lên sản phẩm có thương hiệu
Tốt nhất là các DN nhập khẩu cần sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp điều thô, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu, cũng như xem xét mua bảo hiểm XK điều thô nhằm giảm thiểu rủi ro khi có phát sinh. Nếu có tiềm lực, công ty Việt Nam có thể xem xét sang mở văn phòng đại diện, kho ngoại quan tại địa bàn sở tại.
Bên cạnh vấn đề căng thẳng nguồn cung, Ts. John Walsh - Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng ngành điều Việt Nam hiện đang “vượt qua tình trạng thương phẩm” để vươn lên thành sản phẩm có thương hiệu.Thành quả này đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về khối lượng XK hạt điều.
Theo Ts. John Walsh, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực nòng cốt hiện nay của nền kinh tế Việt Nam sẽ có dư địa để phát triển thêm các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Mà ở đó, việc kết hợp giữa đầu tư tư nhân và hỗ trợ của Chính phủ đã giúp các công ty hạt điều Việt Nam cho ra mắt những thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là một điển hình.
Nếu nhìn từ góc độ Việt Nam là nước chế biến điều hàng đầu thế giới (chiếm khoảng 80% khối lượng điều quốc tế) thì XK điều nhân từ tháng 1 - 4/2020 đã tăng trên 58% so với cùng kỳ năm 2019. XK giữ ổn định gần như đối với toàn bộ thị trường, kể cả sang Italia - nơi bị tác động rất mạnh bởi Covid-19.
Chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ là Tây Ban Nha và Trung Quốc, kim ngạch XK giảm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và EU, sau khi ngừng nhập khẩu trong thời gian áp dụng cách ly dường như bắt đầu nhập khẩu trở lại để bù đắp lượng điều thiếu hụt.
Ở góc độ một DN có công ty thành viên là Lafooco đang tập trung vào XK điều, PAN Group cho biết thời gian gần đây, Tập đoàn tiếp tục mở rộng thị trường mảng hạt điều thương hiệu sang Nhật Bản, giúp lợi nhuận mảng này tăng nhẹ. Hạt điều rang hiện chiếm 80% lượng XK điều của PAN Group.
Giới chuyên gia nhận định với căng thẳng về nguồn cung, thời điểm này rất khó để phát triển ngành hạt điều nếu như DN trong nước không tự chủ được nguồn nguyên liệu cũng như cải thiện hơn nữa về chất lượng và sự hấp dẫn của các sản phẩm.
Điều đó đòi hỏi ngành điều Việt cần phải dốc toàn lực cho việc sản xuất nguồn nguyên liệu. Đây là một trong những thách thức lớn, bên cạnh thách thức ở khâu chế biến và mở rộng thị trường XK.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Các DN chế biến hạt điều đứng trước nỗi lo thiếu hụt nguồn cung điều thô