Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD năm 2021
Thị trường thiết bị sưởi ấm “hốt bạc” khi miền Bắc rét đậm kéo dài / Xuất khẩu tôm có thể vượt mốc 4 tỷ USD trong năm 2021
Chiều ngày 6/1, Tổng cục Lâm nghiệp tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021. Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản. Mặc dù vậy, năm 2021, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu giá trị XK gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD.
Đặt mục tiêu thu 14 tỷ USD
Tuy nhiên, nhờ việc triển khai các giải pháp kịp thời, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỷ USD tăng 17,9% so với năm 2019.
Năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản đặt mục tiêu đạt 14 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, ngành gỗ không chỉ duy trì tăng trưởng XK mà còn vượt kế hoạch, đóng góp lớn cho tăng trưởng của cả ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những thách thức đó là cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt. Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường mà ngành gỗ XK nhiều nhất giờ đều "giơ thẻ" (tức là điều tra chống lẩn tránh thuế). Đây là điều hết sức nguy hiểm cần phải lưu ý.
Vì vậy, Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp cần phải tiếp tục đẩy nhanh việc trồng rừng, nếu không có cái này thì không có ngành XK gỗ.
Mặt khác, hiện nay công nghiệp chế biến gỗ có phát triển nhưng vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác cao rất ít hay thách thức mất cân đối trong sản xuất và chế biến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng lưu ý trong ngắn hạn ngành gỗ cần có một số việc phải cố gắng đó là kiên định phát triển sản xuất với tăng trưởng bền vững, dứt khoát phải bảo vệ rừng, phát triển rừng tốt hơn.
Đặc biệt, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, ngành lâm nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ việc đào cây, chặt cây trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, không thể nói việc này khó làm. Tuyệt đối không để đào cây từ trên rừng đem đi tiêu thụ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về giải pháp ngăn chặn việc bị điều tra chống lẩn tránh thuế, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển cho rằng, nhiều năm nay ngành lâm nghiệp đã đưa các giải pháp nói không với gỗ bất hợp pháp trong chiến lược phát triển của ngành.
"Chúng tôi vận động doanh nghiệp, toàn dân thực hiện việc này và đã được thể hiện bằng hành động là Việt Nam ký Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với EU. Hiệp định này có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Ông Điển cho biết: Cách đây 3 tuần, trong một hội nghị hỗn hợp cấp Chính phủ giữa Việt Nam và EU, phía EU đã ghi nhận Việt Nam đang triển khai rất tốt Hiệp định VPA.
Tuy vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp vẫn bày tỏ mối lo về việc DN nước ngoài đầu tư chui, núp bóng để giả mạo xuất xứ gỗ Việt Nam rồi XK.
Theo ông, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... không tránh khỏi hàng nước ngoài trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để XK, hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, đây là nguy cơ cực kỳ lớn, nếu bị đối tác phát hiện, ngành gỗ sẽ bị áp thuế từ vài chục tới hàng trăm lần.
Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cảnh báo các DN Việt Nam tuyệt đối không "tiếp tay" cho hành động này, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn tận gốc vấn đề này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo