Thị trường

Ngành thực phẩm, đồ uống đối mặt nhiều thách thức

DNVN - Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, sức mua giảm, ngành thực phẩm - đồ uống (F&B) đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đề xuất cách áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với đồ uống có cồn / Hoa Kỳ mở triển lãm thực phẩm, đồ uống tại Đà Nẵng

Theo Vietnam Report, bước sang năm 2023, lạm phát không còn là áp lực lớn nhất đối với ngành F&B khi lạm phát và biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần lượt ở mức 4,57% và 3,10% trong 8 tháng đầu năm. Riêng nhóm hàng thực phẩm, đồ uống và thuốc lá có mức tăng CPI lần lượt 3,03% và 3,54%.

Tính chung, nhóm bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 10,0%, tuy nhiên mức tăng trên thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ trước đó (8 tháng đầu năm 2022 tăng 19,3%). Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, ngành thực phẩm - đồ uống (F&B) đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, do nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng doanh thu cũng giảm theo (từ năm 2022 đến năm 2023 giảm 3,9%). Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận giảm lợi nhuận (41,7%) lớn hơn đáng kể tỷ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu (33,3%) cho thấy không ít doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng. Điểm sáng của thị trường nằm ở giá nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt so với năm trước, góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngành thực phẩm - đồ uống đối mặt nhiều thách thức.

Cũng theo Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp F&B giữ được nhịp tăng trưởng về doanh thu đều giảm ở hầu hết các kênh phân phối. Trong đó, sự giảm tốc thể hiện rõ ở các kênh truyền thống (General Trade) và kênh phân phối mua về nhà (Off-premise) với tỷ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu ở các kênh này lần lượt là 21,4% và 18,2%. Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử (e-Commerce) vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung, là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu.

“Những khó khăn của ngành F&B còn được thể hiện qua diễn biến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của hai ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống khi chỉ số này giảm liên tiếp từ cuối quý I đến giữa quý II năm 2023. Cùng với dấu hiệu phục hồi chậm của chỉ số IIP được ghi nhận từ cuối quý II, hoạt động ngành F&B có khả năng cải thiện, nhưng khó đạt được sự tăng trưởng bứt phá”, Vietnam Report nhận định.

Top 10 Công ty đồ uống uy tín năm 2023 - nhóm ngành đồ uống có cồn theo đánh giá của Vietnam Report.

Tại buổi công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2023, sáng ngày 19/9, Vietnam Report cho rằng, khảo sát cho thấy, nổi bật nhất trong top 10 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp F&B chính là tính linh hoạt. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và luôn thay đổi, tính linh hoạt giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn.

Đó là khả năng điều chỉnh trong cung ứng sản phẩm phù hợp thị hiếu, dịch vụ sau bán hàng chu đáo, đề cao giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Những yếu tố này là chìa khóa để doanh nghiệp F&B tăng trưởng trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hiện nay.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm