Thị trường

Nghịch lý: Giữa đại ngàn Tây Nguyên, người dân thiếu đất sản xuất

Tây Nguyên - vùng đất đại ngàn nhưng lại đang diễn ra một nghịch lý là người dân thiếu đất sản xuất.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt / Tràn lan nước rửa bát siêu rẻ trên thị trường

Hàng chục nghìn hộ dân đang rất cần đất để canh tác nhưng chưa thể bố trí. Đây là một trong những nguyên dân chính dẫn đến vòng luẩn quẩn đói nghèo của một bộ phận cư dân và hệ lụy là phá rừng làm rẫy cũng như một số bất ổn về an ninh trật tự. Vì sao dân cần đất lại thiếu đất, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất trong khu vực ở đâu.

Xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có diện tích tự nhiên 44.000 ha, nhưng dân số chỉ hơn 2.000 người. Đất rất rộng, người rất thưa, nhưng người dân ở đây vẫn thiếu đất sản xuất. Nghịch lý lớn hơn nữa, là địa phương không sắp xếp được đất sản xuất cho dân nhưng lại có hơn 8.000 ha để cấp cho doanh nghiệp trồng cao su. Doanh nghiệp ôm nhiều đất nhưng năng lực đầu tư không tương xứng nên nhiều diện tích cao su đã bị chết.

nghich ly: nguoi dan thieu dat san xuat giua dai ngan tay nguyen hinh 1

Xã Ia Mơr có hơn 8.000ha rừng dễ dàng giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng lại nhiều năm không bố trí được cho người dân thiếu đất sản xuất.
Một lãnh đạo UBND xã Ia Mơr cho biết, xã đang đề nghị cấp chính quyền cao hơn dành một phần đất từ các dự án thất bại để cấp cho dân nghèo thiếu đất sản xuất.“Chúng tôi cũng đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho chính quyền xã cho chuyển đổi một số diện tích cho bà con. Khoảng 100 ha để lại dành cho bà con chăn nuôi, trồng trọt, làm nương rẫy”.

Tương tự huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai, nghịch lý thiếu đất sản xuất cũng xảy ra tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Trong khi các hộ dân tại các dự án ổn định dân cư trong huyện, chỉ được bố trí khoảng 4 sào, gồm cả đất ở và đất sản xuất, chưa đáp ứng được 20% nhu cầu, thì các doanh nghiệp lại được cho thuê một cách thừa mứa, với 26 dự án, tổng diện tích khoảng 20.000 ha rừng và đất rừng. Hậu quả của nghịch lý này là doanh nghiệp chỉ để đất bị để lãng phí, gây tình trạng chuyển đổi trái phép, lấn chiếm, tranh chấp tràn lan.Còn các thôn-xã thiếu đất, tỷ lệ hộ nghèo ở mức 40% đến hơn 70%.

Ông Trần Văn Hoàng, Trưởng Ban Mặt trân thôn 12, xã Ya Tờ Mốt cho biết, nghịch lý này đã tồn tại rất nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết, gây ra hậu quả rất xấu, cả về kinh tế và xã hội.

nghich ly: nguoi dan thieu dat san xuat giua dai ngan tay nguyen hinh 2

Chính quyền có thể giao những diện tích đất rất lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng thì tại sao không bố trí cho dân nghèo đang thiếu đất, để họ ổn định cuộc sống.
"Bà con thì không có đất. Trong khi đó, tỉnh cho các doanh nghiệp vào đây "ôm" quá nhiều đất. Mà thực tế, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Đất bỏ nhưng dân không dám đụng đến. Nhiều người dân nghèokhông có vốn, phải đi cưa rừng (lấn đất) thuê cho người ta rồi bị bắt, phải đi tù. Như trong thôn của tôi, có người mới đi tù 6-7 năm vừa về do đi cắt rừng thuê" - ông Trần Văn Hoàng cho biết.

Xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai, nhất là tại những diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường đang là vấn đề rất nóng ở Tây Nguyên.

 

935.000 ha là quỹ đất các công ty nông lâm trường trong khu vực đang quản lý. Trong đợt giám sát mới đây tại Tây Nguyên, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã chỉ ra, các công ty nông lâm nghiệp đang sở hữu quá nhiều đất nhưng hiệu quả sử dụng, đóng góp ngân sách là rất thấp.

Ông Thành lấy dẫn chứng, một doanh nghiệp tốt nhất tại Tây Nguyên, sử dụng hơn 40.000 ha đất sản xuất nhưng nộp thuế đất chỉ hơn 1 tỷ đồng/năm. Theo ông Thành, với hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp ngân sách thấp như vậy, chính quyền có thể giao những diện tích đất rất lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng thì tại sao không bố trí cho dân nghèo đang thiếu đất, để họ ổn định cuộc sống.

nghich ly: nguoi dan thieu dat san xuat giua dai ngan tay nguyen hinh 3

Xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai đang là vấn đề rất nóng ở Tây Nguyên.
Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, vùng Tây Nguyên hiện có gần 53.000 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích khoảng 24.000ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là nhiều nhất với khoảng 19.000 hộ, tỉnh Gia Lai xếp thứ 2 với khoảng 13.000 hộ. Trong buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông lâm trường trong khu vực. Đặc biệt, việc các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng quá nhiều đất mà hiệu quả kém, trong khi đó, người dân cần đất lại không có đất sản xuất là bất hợp lý.

“Người dân ở đây và một số bộ phận dân di cư tự do thì không có đất, còn đất ở các công ty nông lâm trường thì phát canh thu tô, một số người thu lợi. Điều đó là bất hợp lý, phải được giải quyết để đảm bảo người cày có ruộng, đó là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề này.

Chúng ta thiếu cơ chế, chính sách, cái sai thì áp dụng nhiều, mà cần thiết đúng-Nghị quyếtBộ Chính trị khóa IX đã nêu thì chúng ta chưa vận dụng để giải quyết đất cho đồng bào dân tộc của Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ một cách đầy đủ. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải rà lại, những cần đúng cần vận dụng, những cái sai cần phải sửa chữa, những chính sách lạc hậu phải bãi bỏ.” - Thủ tướng chỉ rõ.

 

'Giải quyết vấn đề đất sản xuất không chỉ giải quyết bài toán sinh kế cho một bộ phận không nhỏ dân nghèo ở Tây Nguyên, mà còn giải quyết những bất ổn, những xung đột tiềm ẩn giữa người dân và doanh nghiệp. Tiến xa hơn nữa là doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác, đưa nông-lâm nghiệp Tây Nguyên phát huy được những giá trị vốn có. Để đạt được điều ấy, những chỉ đạo của Chính phủ về giải quyết đất sản xuất phải được sớm đi vào thực tiễn, thành hành động cụ thể từ chính quyền các tỉnh trong khu vực.

Theo vov.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm