Thị trường

Người nước ngoài đổ về Amsterdam khiến giá nhà đất tăng kỷ lục

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội môi giới bất động sản Hà Lan NVM, giá nhà ở khu vực Amsterdam trong quý IV/2018 đã tăng 8% so với một năm trước đó và giá trị giao dịch trung bình lập kỷ lục 448.000 euro.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Nhiệt điện than không hề rẻ / Sử dụng Quỹ Bình ổn để giữ ổn định giá xăng dầu

Mặc dù có tốc độ tăng chậm nhất trong gần bốn năm qua, nhưng đây là quý thứ 22 liên tiếp giá cả bất động sản leo thang.

Thành phố Amsterdam nổi tiếng với những con kênh thơ mộng và hình ảnh chiếc xe đạp như một phương tiện giao thông phổ biến nhất. Mười năm qua, nơi đây đón nhận khoảng 10.000 cư dân mới mỗi năm.

Tờ Bloomberg lấy ví dụ về một ngôi nhà đang rao bán trên phố Hoofdweg, cách xa lộ A10 (được người dân địa phương gọi vui là “biên giới của Amsterdam”) có một con phố. Ngôi nhà hai phòng ngủ này chỉ đủ diện tích cho hai vợ chồng và một đứa con, vậy mà giá chào bán lên tới 555.000 euro. Ở khu vực phía đông thành phố, một gia đình khác cũng “hét” 265.000 euro cho một căn phòng chỉ vẻn vẹn 28 m2.

Áp lực lên dân Amsterdam “gốc”

Theo nhận định của Chủ tịch NVM Ger Jaarsma, tại một số địa bàn như Amsterdam, giá nhà ở đang tăng đến đỉnh điểm và có thể sẽ phải giảm trong thời gian tới. Lý do là vì khả năng mua nhà của người dân, đặc biệt là đối với những gia đình không mấy dư dả, đã giảm sút vì chi phí sinh hoạt vốn đã tương đối đắt đỏ.

Chiếm tỷ trọng lớn trong làn sóng mua nhà ở Amsterdam là những người nước ngoài đến làm việc và định cư, vì lý do Brexit ở Anh hay do chính sách thu hút công ty nước ngoài của chính quyền thành phố.

Số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Hà Lan cho thấy hơn 15.000 người đã chuyển đến Amsterdam trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2018. Cộng gộp cả số trẻ mới sinh thì làn sóng người nước ngoài đã khiến dân số của thành phố (hiện tại khoảng 850.000 người) tăng xấp xỉ 1,2%.

Ở một khía cạnh khác của vấn đề, ngày càng có nhiều người dân địa phương không chịu nổi sự đắt đỏ của đất cát, đến nỗi hơn 10.000 người Hà Lan đã phải rời khỏi thành phố trong cùng giai đoạn trên.

Ông Jerry Wijnen - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Amsterdam MVA, chia sẻ rằng “50% số lượt khách xem nhà sử dụng tiếng Anh để giao tiếp”, một tỷ lệ cao bất ngờ về sự gia tăng số lượng khách “ngoại”.

Nhà đất là một chủ đề “nóng” ở Amsterdam và giai đoạn tăng giá vừa qua khiến tình hình có chiều hướng căng thẳng hơn. Quan chức chính quyền thành phố còn phải thốt lên rằng sự xuất hiện của “những người giàu hơn” đang gây áp lực cho các gia đình “gốc” Amsterdam, đến mức cần phải có chính sách ưu tiên, hỗ trợ.

Hơn 15.000 người đã chuyển đến Amsterdam trong khoảng thời gian 1 - 11/2018

Phản ứng của chính quyền thủ đô

Thủ đô Hà Lan đã thành công trong việc thu hút và giữ chân lao động làm việc cho các công ty nước ngoài trong những năm gần đây và sắp tới sẽ tiếp đón thêm nhiều lao động tay nghề cao nữa.

Ông Udo Kock – một quan chức phụ trách các vấn đề kinh tế, cho biết Amsterdam đang đàm phán với “hơn một trăm đối tác” có mong muốn chuyển đến thành phố này do tác động của Brexit.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, chính quyền Amsterdam từng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm bổ sung thêm 7.500 căn nhà mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2025. Một phần ba các công trình mới sẽ được dành cho nhà ở xã hội với giá thuê không quá 711 euro mỗi tháng để những người thu nhập thấp còn có cơ hội trụ lại trong thành phố.

Ở Hà Lan nói chung, giá trị giao dịch bất động sản trung bình đã tăng 10,3% trong quý IV lên tới 298.000 euro, tức là giống “quỹ đạo” giá nhà đất ở Amsterdam cho dù tốc độ tăng có khiêm tốn hơn.

 

Theo nhận định của ngân hàng ABN Amro, tốc độ tăng giá nhà ở tại Hà Lan sẽ giảm xuống còn 6% trong năm nay và 4% vào năm 2020. Tuy nhiên, các con số vẫn cao hơn mức bình quân quá khứ trong bối cảnh tỷ lệ thế chấp liên tục ở mức thấp và nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục thiếu hụt trong những năm tới.

Dòng người nước ngoài đến Hà Lan tập trung nhiều nhất vào Amsterdam, nhưng không phải chỉ có Amsterdam. Theo số liệu thống kê xu hướng tương tự đang xảy ra ở cả Rotterdam và The Hague.

Theo thoibaokinhdoanh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm