Người Việt lạc quan nhất trong ASEAN bất chấp COVID-19
Bộ Công Thương: Không để xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang vải, nước rửa tay phòng dịch / Bộ Công Thương lên tiếng sau khi Campuchia dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn
81% người Việt tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).
Ngân hàng UOB (trụ sở chính tại Singapore) vừa công bố báo cáo mang tên "Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN" được thực hiện bắt đầu từ tháng 7/2020, với hơn 3.500 người đến từ các nước ASEAN tham gia, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được phỏng vấn. Tại Việt Nam, 620 người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia vào nghiên cứu này.
So với các nước ASEAN khác, Việt Nam xếp cao nhất về chỉ số lạc quan với 62,4 điểm, cao hơn hẳn Malaysia (53,8 điểm), Singapore (52,7 điểm), Thái Lan (52 điểm) và Indonesia (49,6 điểm).
10 yếu tố cấu thành của chỉ số lạc quan của UOB bao gồm: (1) mức độ cảm xúc tiêu cực (như lo lắng), (2) mức độ cảm xúc tích cực (như hy vọng), (3) quan tâm về dịch bệnh, (4) khả năng xảy ra suy thoái, (5) khả năng khống chế dịch COVID-19, (6) triển vọng dỡ bỏ cách ly, (7) khả năng di chuyển quốc tế, (8) phát triển vaccine, (9) triển vọng trở lại cuộc sống bình thường, (10) triển vọng cá nhân trở nên khá giả hơn. Mỗi yếu tố được tính trên thang điểm 10, tổng cộng là 100 điểm.
Ngân hàng UOB dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2021. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, ông Harry Loh, cho biết nghiên cứu thấy rằng người Việt Nam lạc quan về tương lai, thậm chí ngay cả khi họ trải qua những thay đổi về lối sống và thói quen do cách ly xã hội.
"81% người Việt tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2021, cao nhất so với các nước ASEAN. Sự lạc quan này, ở mức cao nhất khu vực, có thể do thành quả chống dịch thành công của Việt Nam, và thành quả này là yếu tố nền tảng cho việc phục hồi nền kinh tế", ông Harry Loh cho biết thêm.
Chỉ số lạc quan của UOB cũng cho thấy, theo thế hệ, thế hệ Baby Boomers (từ 56 tuổi trở lên) ở Việt Nam lạc quan nhất với 67,7 điểm, theo sau là thế hệ X (độ tuổi 40 - 55) với 65,2 điểm và thế hệ Y (24 - 39 tuổi) 59,8 điểm.
Kết quả này của Việt Nam là khác biệt vì ở các nước khác trong khu vực, Baby Boomers kém lạc quan nhất. Thế hệ Baby Boomers ở Việt Nam lạc quan trong thời điểm khủng hoảng có thể do họ đã lớn lên trong giai đoạn khó khăn, do vậy bền bỉ hơn, cũng như có tinh thần kiên trì và ý chí cầu tiến.
Về tài chính cá nhân, nhiều người Việt chắc chắn rằng họ sẽ thịnh vượng hơn trong năm tới, với 72% cho biết rằng họ sẽ khá giả hơn, với mức độ lạc quan ở tất cả các nhóm tuổi. Về điểm này, Việt Nam xếp cao nhất khu vực, cao hơn Malaysia (57%), Thái Lan (52%), Indonesia (47%) và Singapore (41%).
Bộ phận Nghiên cứu thị trường của UOB cũng dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2021. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đạt 7,8% so với mức 2,9% trong năm 2020. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.
End of content
Không có tin nào tiếp theo