Bình Thuận: Hàng tháng lãnh đạo tỉnh sẽ giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp du lịch
Bộ Công Thương: Không để xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang vải, nước rửa tay phòng dịch / ‘Cú hích’ giúp nền nông nghiệp vươn mạnh ra thị trường thế giới
Với chiều dài bờ biển hơn 190 km, Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, trong năm 2020, tình hình dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Riêng ở tỉnh Bình Thuận, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Do tâm lý lo ngại, thời gian qua nhiều khách du lịch đã hoãn, hủy chương trình du lịch, dịch vụ đã đặt trước và yêu cầu hoàn tiền lại 100%. Thực tế này tạo ra rất nhiều khó khăn cho các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.
Xây dựng điểm đến du lịch thân thiện, an toàn và chất lượng
Theo thống kê từ doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, trong năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có tới 80 – 90% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng kinh doanh; một số doanh nghiệp phá sản, giải thể. Riêng các cơ sở lưu trú có quy mô càng lớn thì thiệt hại càng lớn.
Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp tạm thời, như: Cho lao động nghỉ không lương, giảm lương nhân công, cho lao động nghỉ luân phiên/giãn giờ làm, cắt giảm lao động...
Kết quả, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, Bình Thuận đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, giảm hơn 48% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế khoảng 170 nghìn lượt, giảm gần 78% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.400 tỷ đồng (giảm 38% so với năm 2019).
Tháp Chàm Poshanư Bình Thuận luôn là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan.
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp trở lại, ngành du lịch Bình Thuận xác định sẽ không ngừng xây dựng điểm đến du lịch thân thiện, an toàn và chất lượng. Theo đó, Bình Thuận là địa phương tiên phong thực hiện cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đã cấp nhãn nhận diện an toàn cho 19 cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thực hiện đúng các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho du khách. Việc cấp nhãn nhận diện an toàn này không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách mà còn là mục tiêu hướng tới xây dựng điểm đến Bình Thuận an toàn, hiếu khách.
Dựa vào nhãn nhận diện an toàn, du khách có thể nhận diện, biết được cơ sở nào thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch, từ đó an tâm đưa ra quyết định lựa chọn. Đồng thời, đơn vị lữ hành có cơ sở bảo đảm an toàn khi thực hiện chương trình quảng bá, giới thiệu “tour” đến với du khách.
Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành du lịch Bình Thuận luôn đặt việc bảo đảm an toàn cho du khách đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn đồng loạt đăng ký thực hiện các tiêu chí an toàn để tạo tự lan tỏa và đồng bộ.
Đồng thời, thực hiện tốt thông điệp 5K, tiếp tục tăng cường rà soát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở du lịch. Đối với các đoàn khách đã đến và sắp đến, địa phương sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và thực hiện công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Dự báo ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Bình Thuận nói riêng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực trong năm 2021. Trước tình hình đó, phần lớn các doanh nghiệp đã đề xuất để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt, cụ thể: Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế VAT. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chính sách tài chính, tín dụng là giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu. Đề xuất xem xét hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021, hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2022. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét tiếp tục giãn, lùi thời gian trả nợ ngân hàng cả lãi vay và nợ gốc đến hạn trả cho các hợp đồng tín dụng đến hết năm 2022; giảm lãi suất vay ưu đãi từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường và giữ nguyên nhóm nợ ngân hàng…
Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch cũng đề xuất, cần tập trung giải quyết tình hình hiện nay vừa có tình vừa có lý để tăng tính chia sẻ, tính liên kết, tính hệ thống giữa các ngành dịch vụ với nhau trong lĩnh vực du lịch. Những kiến nghị về giảm các chi phí, như tiền điện nước, tiền đóng BHXH, thuế, lãi vay, tiền thuê đất, phí đường bộ... là giải pháp cấp thiết và ý nghĩa cần Chính phủ hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch giải quyết khó khăn trước mắt và có khoản kinh phí trả lương cho người lao động trong ngành du lịch.
Thời gian tới, Bình Thuận sẽ chủ động các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. (Trong ảnh: Khách du lịch đến Đồi Cát Trắng, Mũi Né, Bình Thuận).
Xác định việc chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức, sớm ổn định kinh doanh, đưa doanh nghiệp trở lại đà phát triển. Thời gian tới, Bình Thuận sẽ chủ động các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh để khôi phục kinh tế, đồng hành, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa cho biết, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thời gian qua tỉnh cũng đã nỗ lực hỗ trợ, khôi phục du lịch nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Trong đó về du lịch cũng đã triển khai các hoạt động kích cầu du lịch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng khi nâng cấp mở rộng và đưa vào sử dụng tuyến đường trọng điểm du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, đoạn từ Đá Ông Địa đến Khu du lịch Hoàng Ngọc. Đã khởi công xây dựng trục đường ven biển phía Nam tỉnh (ĐT.719, 719B)...
Dự báo tình hình Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng đến ngành du lịch, việc tháo gỡ cho doanh nghiệp, phục hồi kinh doanh cũng là tháo gỡ khó khăn chung cho địa phương, nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành và doanh nghiệp cần chủ động phối hợp, với mục tiêu chung là Nhà nước cùng doanh nghiệp “cộng đồng trách nhiệm” vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Để kịp thời giải quyết những kiến nghị và khó khăn, sắp tới hàng tháng lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục và giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp du lịch nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Dù khó khăn trước mắt rất lớn, nhưng năm 2021, du lịch Bình Thuận đã quyết tâm đề ra mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 6,5 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10%) và doanh thu hoạt động du lịch đạt 15.500 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận cùng ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành du lịch từ thị trường tới sản phẩm, tận dụng xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, công nghệ 4.0…; tăng cường hoạt động quảng bá trực tuyến đối với thị trường quốc tế để duy trì hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, sống động, tươi trẻ và đẳng cấp.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm duy trì môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, mến khách, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch Bình Thuận đến du khách trong và ngoài nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết