Thị trường

Nguồn cung hàng hoá thiết yếu vẫn khá dồi dào sau Tết Nguyên đán

Lo ngại dịch bệnh từ virus Corona sẽ kéo dài, một số người dân tại TP Hồ Chí Minh có tâm lý tích trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo không cần tích trữ, vì nguồn hàng hóa phục vụ thị trường sau Tết khá dồi dào.

Long An: Nông dân trồng thanh long điêu đứng do ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona / Phát triển kinh tế - Một thước đo sự thành công của Đảng

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức ngày 3/2 tại các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, một số mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, nước mắm, lương khô… đã không còn trên quầy kệ. Theo các nhân viên bán hàng, nguyên nhân hết hàng một phần do cửa hàng chưa nhập về kịp sau Tết và dịp cuối tuần một số người dân tại TP Hồ Chí Minh cũng tranh thủ đi cửa hàng tiện lợi gom hàngthiết yếu về tích trữ.

Đồ ăn đóng hộp chỉ còn lèo tèo trên quầy kệ nhiều cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh trong sáng 3/2.

Chị Lê Thị Thủy (ngụ quận 9) cho biết, hiện dịch bệnh do virus Corona đang lây lan nhanh, Việt Nam cũng đã phát hiện các ca nhiễm bệnh. Với tâm lý "lo xa", chị Thủy cũng tranh thủ đi mua ít thực phẩm như mì tôm, lương khô, dầu ăn, nước mắm… để về nhà dùng dần. “Cứ nghĩ chỉ mình lo xa, nào ngờ khi ra cửa hàng Bách hóa Xanh gần nhà vào chiều tối 2/2, tôi cũng thấy nhiều người đi mua các mặt hàng thiết yếu ”, chị Thủy nói.

Chú thích ảnh
Mặt hàng mì tôm, lương khô... cũng trong tình trạng hết hàng cục bộ tại các cửa hàng tiện lợi do sức mua mặt hàng này tăng cao trong hai ngày cuối tuần qua.

Theo đại diện các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị hiện đại đều cho rằng, sẽ không có tình trạng thiếu hay khan các mặt hàng thiết yếu. "Hai ngày cuối tuần qua, rất nhiều khách hàng đến mua các mặt hàng đồ khô như mì tôm, nước uống, lương khô, nước mắm, dầu ăn... vì có thể là họ bắt đầu quay trở lại thành phố nên cần mua. Hiện nguồn cung hàng nhu yếu phẩm đang rất dồi dào, không thể xảy ra tình trạng thiếu hàng thực phẩm thiết yếu như tâm lý của một số người dân đang lo ngại. Vì vậy, người dân cũng không cần tích trữ nhiều thực phẩm thiết yếu trong nhà, chỉ cần mua vừa đủ dùng, tránh mua nhiều vì hạn sử dụng các mặt hàng đóng hộp thường rất ngắn", đại diện một cửa hàng tiện lợi tại quận 2 cho biết.

Trong khi đó, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Bách hóa Xanh trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) cho biết, cửa hàng đang thiếu các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, nước mắm, dầu ăn… Nguyên nhân làdo các cửa hàng chưa kịp nhập hàng mới về bán. "Số hàng đã bán làcòn lại từ trước Tết. Trong hai ngày cuối tuần qua, người dân tranh thủ đi mua hàng dự trữ dùng trong những ngày tới nên sức mua cũng tăng cao, dẫn đếnxảy ra việc thiếu hàng thiết yếu cục bộ. Trong ngày hôm nay (3/2), các mặt hàng này sẽ được công ty bổ sung đầy đủ để phục vụ khách hàng trong thời gian tới", nhân viên này cho hay.

Chú thích ảnh
Tại các siêu thị lớn, mặt hàng rau, củ quả sau tết khá dồi dào.

Là đơn vị có hệ thống bán lẻ hiện đại lớn nhất cả nước chuyên phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho người dân,ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết: “Sau Tết, hệ thống siêu thị mở cửa bán hàng trở lại khá sớm. Hàng hóa của các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food vẫn khá phong phú, dồi dào nên không phải lo khan, thiếu hàng. Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng, từ nay đến ngày 12/2, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food luân phiên giảm giá trung bình từ 20 - 30% cho các măt hàng thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em, hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân, các loại nước giải khát... Không chỉ đảm bảo nguồn cung dồi dào, hệ thống Saigon Co.op còn phải đảm bảo không tăng giá các loại hàng hóa, đặc biệt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trong chương trình bình ổn thị trường sau Tết Nguyên đán”.

Chú thích ảnh
Sau Tết, mặt hàng thịt lợn đã hạ nhiệt, nguồn cung dần đi vào ổn định tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, năm 2020, lượng hàng hóa đưa ra phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết tăng 14-18%, tăng 20.000 tỷ đồng tính về giá trị so với năm ngoái. Ngoài các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng khác như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô… cũng được doanh nghiệp cung cấp nguồn hàng rất lớn, tăng 10% so với năm 2019. "Vì vậy, rất khó xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu nếu người dân có tâm lý gom hàng chuẩn bị tinh thần chống dịch bệnh từ virus Corona", bà Trang khẳng định.

 

Cũng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đều đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong thời gian sau Tết. Sắp tới, Sở sẽ tập trung kiểm soát, giám sát chặt chẽ thị trường hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao, vì vậy người dân không cần lo lắng tích trữ hàng hóa, dễ gây xáo trộn thị trường.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm