Thị trường

Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam

(DNVN)-“Cũng có giải pháp là hợp pháp hóa một số hoạt động hiện đang bị coi là phi pháp như cá cược, mại dâm… Khi các hoạt động này được chuyển từ phi chính thức sang khu vực chính thức. Và giá trị gia tăng của chúng sẽ được cơ quan thống kê tổng hợp để tính vào GDP".

Thị trường tiền ảo lao dốc khiến các ông lớn 'điêu đứng' / Vé chợ đen tràn ngập trên Facebook, iPhone sắp được gắn nhãn 'Made in Vietnam'

Đây là một trong những ý kiến táo bạo được nhận định tại hội thảo “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách" được Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức vào ngày 13/12/2018.

Việc đo lường khu vực kinh tế phi chính thức (KTPCT) hay còn gọi là khu vực kinh tế chưa được quan sát là không hề dễ dàng. Không chỉ ở VN mà hầu như tất cả các nước trên thế giới đều tồn tại nền kinh tế chưa quan sát được. Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách" là nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của khu vực kinh tế phi chính thức, từ đó đưa ra cách ứng xử hợp lý.

Hội thảo “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách".

Hội thảo “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách".

Theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, Chủ nhiệm khoa Tài chính, ở VN số liệu về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức còn khác nhau, có ý kiến cho rằng con số này giao động từ 20-30% GDP. Tổng cục Thống kê chưa đưa ra con số chính thức, nhưng cho rằng quy mô khu vực kinh tế phi chính thức "chưa tới mức chiếm 30% GDP".

“Tuy nhiên, dù con số cụ thể là bao nhiêu, thì cũng không thể phủ nhận rằng các hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp (cờ bạc, mại dâm,...) đang tồn tại trên diện rộng; hoạt động kinh doanh gian lận, như buôn lậu, gian lận thương mại,... khá phổ biến và đang gây bức xúc trong xã hội; hoạt động kinh doanh cá thể quy mô nhỏ cực kỳ sôi động và đang len lỏi ở mọi khu phố, ngõ ngách, có mặt trong hầu hết các hoạt động thường nhật của đời sống kinh tế- xã hội”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp cho biết.

Tại hội thảo, TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế phân tích: “Khu vực KTPCT đa dạng về hình thái, bao gồm cả các hoạt động kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp là đối tượng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nói cách khác là những hoạt động kinh tế không thể thống kê.

Đến lượt mình, hoạt động kinh tế hợp pháp thuộc khu vực KTPCT được chia thành nhóm cần và có thể thống kê, thậm chí có chính sách để chuyển sang khu vực kinh tế chính thức và nhóm không cần thống kê do không cân đối giữa chi phí và lợi ích của việc thống kê các hoạt động đó”.

Khu vực kinh tế cá thể quy mô nhỏ cần tạo điều kiện phát triển. Ảnh: Internet

Khu vực kinh tế cá thể quy mô nhỏ cần tạo điều kiện phát triển. Ảnh: Internet

“Hoạt động kinh tế hợp pháp dù cần hay không cần thống kê đều có tác động hai mặt, cả tích cực và tiêu cực nên cần nghiên cứu và phân loại chi tiết và cụ thể để có biện pháp thích hợp, tránh đánh đồng các hoạt động của khu vực KTPCT hay thậm chí hiểu sai bản chất dẫn đến hoạch định chính sách không phù hợp, không khả thi”, TS Vũ Đình Ánh cho biết.

Ngày 07/09/2018 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 1121/QQĐ-TTg ban hành Kế hoạch xây dựng đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được. Theo các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo, việc Chính phủ bắt đầu chú ý và yêu cầu tập trung nghiên cứu khu vực kinh tế này là rất cần thiết.

Tại hội thảo, đa số ý kiến các chuyên gia cho rằng việc không bổ sung giá trị tăng thêm của khu vực KTPCT vào GDP không có nghĩa là bỏ rơi khu vực này. Ngược lại, rất cần thiết phải tập trung điều tra, phân tích các hoạt động của nó để thấy được thực trạng, ảnh hưởng cũng như nguyên nhân để từ đó tìm ra giải pháp và bước đi thích hợp nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của khu vực này đối với nền kinh tế xã hội.

Theo các đại biểu, đối với hoạt động kinh tế bất hợp pháp. Đây là những hoạt động cần được ngăn chặn. Do đó, phải tăng cường kiểm tra, xử lý để buộc các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này từ bỏ việc làm ăn bất hợp pháp, chuyển sang hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực được pháp luật cho phép.

 

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội thảo, cũng có giải pháp khác là công nhận và chuyển một số hoạt động hiện đang bị coi là phi pháp thành hoạt động hợp pháp (hợp pháp hóa), như cho phép đánh bạc, cá cược, mại dâm… như một số nước đã thực hiện. Khi đó các hoạt động này được chuyển từ phi chính thức sang chính thức và giá trị gia tăng của chúng sẽ được cơ quan thống kê tổng hợp để tính vào GDP.

Đối với các hoạt động kinh tế gian lận, thì vấn đề quan trọng trước hết là phải phân tích kỹ thực trạng để tìm ra nguyên nhân, cả từ phía Nhà nước và từ phía doanh nghiệp. Từ đó mới hình thành hệ thống các giải pháp khắc phục.Đối với những nguyên nhân từ phía Nhà nước (hệ thống luật pháp phức tạp, thủ tục hành chính nhiêu khê, gánh nặng thuế, môi trường kinh doanh không thông thoáng,...) thì Nhà nước phải tháo gỡ.

Nguyên nhân từ phía doanh nghiệp thì phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý. Khi các nguyên nhân trên được khắc phục, thì hoạt động mang tính chất gian lận của khu vực này sẽ bị đẩy lùi để chuyển sang hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định của các cơ quan quản lý và đúng pháp luật.

Hoạt động của kinh tế cá thể quy mô nhỏ có vị trí quan trọng trong nền kinh tế xã hội. Nếu nói về tác động tích cực của khu vực kinh tế phi chính thức thì chủ yếu là nói về vai trò tích cực của khu vực này. Theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp: “Cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống các giải pháp tổng hợp nhằm định hướng và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế cá thể quy mô nhỏ phát triển để từ đó hòa nhập với khu vực kinh tế chính thức, hoặc khi đủ điều kiện thì chuyển sang khu vực chính thức”.
Nam Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm