Thị trường

Nhận định cơ hội phát triển thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh khi Nga và Ukraine căng thẳng

DNVN - Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine, có thể nhìn thấy một số cơ hội phát triển đầu tư và thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh.

Kinh tế Đông Nam Á năm 2022 tiếp tục thấp hơn 10% so với kịch bản không COVID-19 / Hướng dẫn mới giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm vào Trung Quốc

Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Tại hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA - Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới" do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, sau 1 năm thực thi UKVFTA, thương mại song phương ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong cả năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 chiều xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam cao hơn ở chiều ngược lại. Hai bên đã có những cân bằng dần về xuất - nhập khẩu. Các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Anh đều tăng trưởng tốt, tất cả các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, nhất là hàng nông sản.
"Điều đáng tự hào là càng ngày nhiều các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã lên kệ các siêu thị trung và cao cấp của Anh. Đây là tín hiệu đáng mừng. Sự bổ trợ của thương mại song phương đã giúp hai bên tận dụng hiệu quả lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)", bà Ngọc chia sẻ.

Theo bà Ngọc, trong bối cảnh Nga - Ukraine căng thẳng, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Anh nói riêng và Châu Âu nói chung.
Theo bà Ngọc, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine, có thể nhìn thấy một số cơ hội phát triển đầu tư và thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Chẳng hạn những lĩnh vực mà Anh đã đầu tư sang Nga và Ukraine thì giờ có thể chuyển hướng đầu tư sang các nước khác.
Một lĩnh vực nữa mà hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong thời gian vừa qua, nhất là sau hội nghị COP26 năm 2021 là năng lượng tái tạo. Khủng hoảng vừa qua giúp chúng ta nhận thức được rằng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ ngày càng có vai trò quan trọng, trong khi Vương quốc Anh có thế mạnh về lĩnh vực này.
Liên quan đến vấn đề thương mại, bà Ngọc phân tích: Những mặt hàng sắp tới thế giới có thể khan hiếm hơn như lúa mì, phân bón..., từ đó dẫn đến việc tăng giá các sản phẩm nông sản nông nghiệp. Việt Nam lại có thế mạnh về nông sản nhiệt đới. Chúng ta cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu sang các nước khác khi các nước có thể khan hiếm nguồn nguyên liệu, mặt hàng do Nga và Ukraine xuất khẩu. Chẳng hạn Ukraine là vựa lúa mì của thế giới trong khi Ukraine căng thẳng với Nga, trong thời gian 1 - 2 năm tới việc xuất khẩu lúa mì của Ukraine sang châu Âu sẽ giảm, châu Âu sẽ quan tâm nhiều hơn đến các mặt hàng thay thế.
"Theo nhận định của tôi, chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đăc biệt là gạo sang châu Âu", bà Ngọc nói.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết, sự chuẩn bị hay hiểu biết của DN còn hạn chế về UKVFTA cũng như các FTA khác. Tỷ lệ các DN hiểu rõ về các cam kết liên quan trong các hiệp định đâu đó chỉ chưa đầy 20%. Với tỷ lệ như vậy, có thể thấy còn rất nhiều DN chưa biết đến các cơ hội từ hiệp định để tận dụng, còn lúng túng trước các cơ chế thực thi cam kết.
Các DN mong chờ các cơ quan liên quan thông tin về các cam kết và cách thức tổ chức thực hiện. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến thực thi, không chỉ là hiểu cam kết mà hiểu cơ chế để thực hiện cam kết. Hỗ trợ DN về thông tin và hiểu về cơ chế cam kết là điều rất quan trọng
Hai là câu chuyện tiếp cận thị trường. Không phải cứ có hiệp định tự nhiên DN có khách hàng, có thị trường hay có lợi thế, mà DN cần nỗ lực tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người dùng cũng như các quy chế khác. Không chỉ là hiểu các quy định để xử lý tranh chấp mà còn là hiểu các quy định để tuân thủ. Mỹ và Châu Âu là thị trường khó tính thì Anh là thị trường còn khó tính hơn. Cho nên có rất nhiều quy định của khách hàng và thị trường DN cần biết.
"Với UKVFTA, cũng như với các hiệp định khác, cơ chế và cải cách thủ tục hành chính phải thuận lợi nhất, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Các thủ tục hành chính của Việt Nam đã được cải tiến, tuy nhiên DN vẫn cần sự cải tiến nhiều hơn để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hiệu quả. Việc tạo thuận lợi hơn cho DN sẽ biến những cam kết thành cơ hội tốt hơn, qua đó giúp DN xuất khẩu sang Anh hiệu quả hơn", bà Trang kiến nghị.
Trên góc độ DN, cho rằng dư địa xuất khẩu sang thị trường Anh còn rất lớn, ông Đinh Cao Khuê - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, vùng trồng, đặc biệt là tập huấn cho bà con về trồng trọt, trong đó lưu ý đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu của đối tác xuất khẩu. Các nhà máy chế biến đều phải tuân thủ các điều kiện về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hiệp hội, ngành hàng cần củng cố vị trí, vai trò cầu nối, hỗ trợ DN nhiều hơn nữa. Chính phủ và Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ ở Anh cũng như ở châu Âu để thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm