Thị trường

Nhiều sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD

DNVN - Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2023, có nhiều sản phẩm và nhóm sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ…

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh trong 8 tháng / Nông lâm thủy sản xuất siêu 6,9 tỷ USD trong 9 tháng

Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,1% (trồng trọt tăng 2,1%, chăn nuôi tăng 4,9%), lâm nghiệp tăng 3,4%, thủy sản tăng 3%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Riêng gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: gạo tăng 22,2% khối lượng, 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% khối lượng và 7,7% giá trị xuất khẩu.

Cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.

6 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam

Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Thời gian tới, các bộ ngành sẽ thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu NLTS; chủ động dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu.

Nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là đối với các nông sản vào vụ thu hoạch.

Bên cạnh đó, phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, nhất là vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Úc - New Zealand, Trung Đông, châu phi...).

Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ thúc đẩy đàm phán xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long từ 1/8/2023.

Trao đổi với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối); họp trực tuyến về Lệnh 248 và 249 và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu.

Đồng thời, tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm