Thị trường

Nhiều tổ chức quốc tế nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhiều tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu giảm đáng kể / Hàng chục ngàn tấn thanh long "bí" đầu ra

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra dự báo GDP của Việt Nam tăng 5,5% năm 2022. Một số tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng HSBC và Standard Chartered cũng đều nhận định về một triển vọng tươi sáng với mức tăng trưởng từ 6,5 - 6,7%.

Nhiều lĩnh vực đã bắt đầu khởi sắc trở lại từ quý 4/2021, như bán lẻ tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng trưởng 19% và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Đây là những động lực để GDP Việt Nam tiếp nối đà bứt phá trong năm 2022.

"Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vì Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại. Đầu năm nay, Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Ngoại hối của Ngân hàng HSBC, cho biết.

Nhiều tổ chức quốc tế nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

World Bank dự báo GDP của Việt Nam tăng 5,5% năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, cũng tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn nhất từ trước tới nay trị giá 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng sẽ tiếp sức phục hồi cho doanh nghiệp trong năm mới.

"Việt Nam còn dư địa để thực thi chính sách tài khóa, cụ thể tỷ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44%, thấp hơn trần nợ công được Quốc hội thông qua. Như vậy, Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn, hoặc có thể tăng chi ngân sách, khởi động lại các chương trình đầu tư công và thực hiện miễn giảm thuế", ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank, nhận định..

Tuy nhiên theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất lúc này là đợt bùng dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng Omicron có tốc độ lây lan mạnh, có thể khiến một số lĩnh vực chưa thể phục hồi ngay.

"Khả năng ứng phó với đại dịch sẽ quyết định ngành du lịch có mở cửa trở lại như kế hoạch trong quý 2 hay không, trong khi ngành này chiếm khoảng 10% GDP Việt Nam, rất quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, nhấn mạnh.

Ngoài ra, lạm phát cũng là vấn đề đáng chú ý khi nhiều tổ chức tài chính đều nhận định mức lạm phát năm nay sẽ cao hơn con số 1,8% của năm 2021 để đạt được tăng trưởng cao hơn, do đó các cơ quan chức năng cần kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với 2 năm qua.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm