Thị trường

Những ngành xuất khẩu tỷ USD trong tháng 7/2021

Bất chấp tác động từ COVID-19, hoạt động xuất khẩu hàng hoá tiếp tục ghi dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ.

Áp giá sàn vé máy bay: Tước quyền của khách hàng, vi phạm Luật Cạnh tranh / Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% liệu có đạt được?

Số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 7/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 26 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 184,33 tỷ USD, tăng 24,8%so với cùng kỳ năm ngoái.

Điện thoại các loại & linh kiện là điểm sáng lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu. Tính riêng trong tháng 7, mặt hàng này xuất khẩu đạt giá trị 4,3 tỷ USD, tăng 30,5% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 29,35 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng xuất khẩu đạt giá trị lên đến 3,5 tỷ USD trong tháng 7. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng/2021 ước tính đạt hơn gần 27,36 tỷ USD, tăng 16,46% so với cùng kỳ năm trước.

Những “con gà đẻ trứng vàng” tỷ đô - Ảnh 1.

Ước tính, tổng giá trị xuất khẩu sau 7 tháng đầu năm ước đạt 184,33 tỷ USD

Dệt may cũng là một điểm sáng khác khi đạt giá trị xuất khẩu 3,3 tỷ USD trong tháng 7, tăng 7,7% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/2021 ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê mới nhất về thương mại thế giới năm 2021 do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhàxuất khẩu hàng may mặclớn thứ hai thế giới. Trong năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá thị trường đạt 29 tỷ USD. Hiện Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.

Ngoài ra, những mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị tỷ đô sau 7 tháng đầu năm có thể kể đến như: Giày dép (12,1 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ (9,5 tỷ USD); Thuỷ sản (4,92 tỷ USD)…

Người Việt chi 2,1 tỷ USD sắm ô tô ngoại

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, ước tính nhập khẩu nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 7/2021 đạt 17.000 chiếc, trị giá đạt 332 triệu USD, tăng 11% về lượng so với tháng trước.

Những “con gà đẻ trứng vàng” tỷ đô - Ảnh 2.

Người Việt chi 2,1 tỷ USD sắm ô tô ngoại trong 7 tháng đầu năm

 

Ước tính đến hết tháng 7/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 98.000 chiếc, trị giá đạt 2,1 tỷ USD, tăng 116,9% về lượng và tăng 111,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu có đáng lo?

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2021 ước tính thâm hụt 1,5 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 2,5 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 8,7 tỷ USD của 7 tháng đầu năm trước.

7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập lượng lớn các mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (39,06 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng (26,81 tỷ USD); Vải các loại (8,68 tỷ USD)…

Trước đó trong buổi họp báo thường kỳ vào đầu tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết xu hướng nhập siêu của Việt Nam không đáng lo ngại và không có gì bất thường.

 

"Điều này không đáng lo ngại và không có gì bất thường bởi nhập siêu là do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. 90% lượng hàng hóa nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm