Thị trường

Nỗi lo nông sản khó tăng trưởng cao

Xuất khẩu nông sản khó đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay khi nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm mạnh kim ngạch. Cạnh tranh gay gắt, gia tăng bảo hộ ở các thị trường lớn đòi hỏi nông sản Việt phải biết cách tiếp cận đúng hướng.

Đắk Lắk : Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng nhãn lồng trên đất pha cát / Trầy trật mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD

Nhận định mới đây từ Bộ Công Thương rất đáng lưu tâm khi cho rằng xuất khẩu (XK) nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao.

Trượt dài nông sản chủ lực

Có hai nguyên nhân chính được lý giải cho chuyện này. Thứ nhất là do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm (có một phần từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung) và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Thứ hai, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong XK khiến cho giá giảm sâu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Cần nhắc lại dự báo trước đây của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group – một doanh nghiệp (DN) hàng đầu chuyên XK rau quả sang những thị trường khó tính, đó là chỉ hy vọng XK rau quả năm nay ở tầm 4 tỷ USD so với mức độ lạc quan hồi đầu năm nay của nhiều người là sẽ có mức tăng trưởng rất cao.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm nay, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,41 tỷ USD, giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước.

Đơn cử như giá trị XK rau quả 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,53 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 70% thị phần. XK rau quả sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ.

Còn XK gạo tuy tăng 0,3% về khối lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kỳ. Giá gạo XK bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 433 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ.

Hoặc như XK sắn ước đạt 1,57 triệu tấn và 608 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ.

Trượt dài trong kim ngạch XK nông sản chủ lực của Việt Nam là cà phê, hồ tiêu và điều. XK cà phê 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,17 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ.

Hồ tiêu ước đạt 220 nghìn tấn và 561 triệu USD, tăng 27,4% về khối lượng nhưng giảm 3,8% về giá trị. XK hạt điều trong 8 tháng ước đạt 287 nghìn tấn và 2,1 tỷ USD, tăng 18,8% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị.

Noi-lo-nong-san-kho-tang-truon-7873-7176

Doanh nghiệp XK nông sản đang gặp nhiều thách thức lớn

Cần tiếp cận đúng hướng

Chính sự suy giảm về kim ngạch từ những mặt hàng chủ lực này, việc kỳ vọng XK nông sản có mức tăng trưởng cao trong năm nay là rất khó khi chỉ còn lại vỏn vẹn hơn 3 tháng cuối năm để gia tăng XK.

Trong vấn đề cạnh tranh của nông sản Việt khi XK, ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến, bảo quản nông sản thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhận định so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, nông sản Việt có tính cạnh tranh thấp.

Chẳng hạn như các khâu xử lý sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn do công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vẫn còn thấp, chưa theo kịp năng lực sản xuất của nông dân. Tỷ lệ tổn thất của nông sản Việt sau thu hoạch lớn, khoảng hơn 25% đối với các loại quả và hơn 30% đối với các loại rau, 10-20% với các loại củ.

“Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước châu Á như Ấn Độ là 3-3,5%, Bangladesh 7%, Pakistan 2-10%, Indonesia 6-17%, Nepal 4 – 22%. Điều này làm hạn chế khả năng XK của rau quả Việt Nam”, ông Tú lưu ý.

 

Về vấn đề gia tăng bảo hộ hàng hoá nông sản từ một số thị trường lớn, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), dẫn chứng như Hàn Quốc ban hành Danh mục mới về thuốc bảo vệ thực vật (gồm 370 loại thuốc cho phép sử dụng) – Hệ thống PLS, có hiệu lực từ đầu năm nay và được áp dụng với toàn bộ nông sản nhập khẩu vào nước này.

Điều đó được cho là thách thức lớn với nông sản Việt khi XK vào Hàn Quốc nếu như sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong 370 loại thuốc thuộc danh mục.

Hiện nay, XK nông sản (nhất là rau quả) hướng tới giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, các nhà sản xuất và kinh doanh nông sản Việt đang chú trọng XK vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật, Mỹ, Úc, New Zealand…

Điều đáng chú ý là tùy thuộc vào quy định kiểm dịch thực vật và thị hiếu của người tiêu dùng cũng như mức độ bảo hộ ở những thị trường tiêu thụ này đòi hỏi nông sản Việt phải đáp ứng ở mức tốt nhất có thể.

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Đình Tùng, Nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy XK nông sản để có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đặc biệt là giúp nông dân cũng như các DN tiếp cận đúng hướng, lấy thị trường là mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng để nông sản Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn.

 

Theo Thế Vinh/Thời báo kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm