Nông sản tạo hình tiền triệu hút khách
Luật Đất đai (sửa đổi): Cẩn trọng đầu tư đất nông nghiệp / Năm 2024, chung cư tiếp tục sinh lời lớn?
Hút hàng rau củ lên chậu
Nông sảnđộc, lạ luôn là mặt hàng được săn đón vào mỗi dịp lễ Tết. Tại ĐBSCL, bên cạnh các giống hoa mới, bà con còn chọn những loại rau củ đưa lên chậu làm sản phẩm bán Tết. Các sản phẩm này đã nhận được sự chú ý của nhiều khách hàng.
Lúa và bắp là hai loại nông sản được Huỳnh Tấn Kiến (xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) chọn trồng trong dịp Tết năm nay. Theo nhà vườn này, các loại cây trên dễ trồng và mang nhiều ý nghĩa trong ngày Tết, bởi dân gian có câu "chắc ăn như bắp" còn với lúa thì có ý nghĩa năm mới nhà nhà đầy lúa thóc. Để trồng phù hợp trong chậu, ông chọn giống lúa có chiều cao vừa phải, nhiều hạt và có thân cứng IR 50404 để dễ bán hơn.
Bầu hồ lô cũng là loại nông sản được khách hàng ưa chuộng trong những ngày Tết bởi chúng có ưu điểm nhiều trái đẹp, chưng xong mấy ngày Tết là có thể trồng xuống đất làm cây cảnh che mát.
Tại vườn rau của anh Trần Phước Nhẫn (xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) có hơn 10 loại rau với hàng ngàn chậu lớn nhỏ khác nhau đã được anh trồng trong chậu để bán, giúp người mua làm cây cảnh trang trí quanh nhà, lại vừa có rau dùng cho các bữa ăn.
Làng hoa Sa Đéc có gần 1.000 ha với hơn 2.000 loài hoa kiểng khác nhau. Việc có thêm những nông sản lên chậu để bán Tết đã cho thấy sự sáng tạo của nông dân làng hoa, góp phần làm cho bức tranh làng hoa thêm phần phong phú, tạo sự hấp dẫn với khách hàng và tăng giá trị cho nông sản ở địa phương.
Nông sản tạo hình được ưa chuộng
Bên cạnh các loại nông sản chậu, nông sản tạo hình cũng là mặt hàng chưng Tết được người dân ưa chuộng. Tại tỉnh Đồng Tháp, năm nay, nhà vườn vẫn duy trì một số loại nông sản tạo hình như bưởi, dưa hấu như những năm trước. Điều đáng nói là dù có giá lên đến cả triệu đồng nhưng những sản phẩm này vẫn rất đắt hàng.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, Đồng Tháp) tạo hình 150 cặp bưởi Ruby để bán ra trong dịp Tết. Con số này cũng tương đương với năm qua, nhưng khác là thị trường khả quan hơn. Hiện số bưởi trong vườn đã được đặt mua gần hết.
Mỗi cặp bưởi tạo hình có giá bán hơn 1 triệu đồng. Các sản phẩm có hình dáng đa dạng như hồ lô, thỏi vàng, giọt nước, lá bồ đề, tượng Phật in nổi chữ Tài, Lộc.
Bên cạnh bưởi, dưa hấu tạo hình năm nay cũng có sức mua tốt trên thị trường. Minh chứng là với 200 cặp được tạo hình của ông Trần Văn Cưng (Phong Hòa, Lai Vung, Đồng Tháp) hiện đã có 50% được bao tiêu.
Như mọi năm, vụ Tết năm nay, ông Cưng vẫn tập trung tạo hình dưa hấu thành 2 hình dáng chính là hình vuông và thỏi vàng. Qua bàn tay sáng tạo của nông dân, nhiều loại nông sản đã được biến tấu có hình dáng mới lạ, bắt mắt hơn. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn sản phẩm chưng Tết. Từ đó giá trị nông sản và lợi nhuận của bà con nông dân cũng tăng lên.
ĐBSCL trúng mùa dưa lưới Tết
Bên cạnh dưa hấu, dưa lưới cũng ngày càng được ưa thích. Loại trái này có giá trị kinh tế cao, nhưng chi phí sản xuất lớn do phải đầu tư nhà lưới.
Tuy nhiên, những năm gần đây, bà con nông dân đã đưa thành công dưa lưới xuống ruộng, giảm được chi phí canh tác. Thời điểm này, nông dân đang hối hả thu hoạch vụ dưa Tết với hy vọng được mùa bội thu.
Từ đầu tháng Chạp, bà con nông dân ở Hậu Giang bắt đầu thu hoạch dần vụ dưa lưới. Rộ nhất là lúc này, để kịp đưa hàng ra chợ Tết. Năm nay bà con không phải lo lắng chuyện đầu ra. Dưa lưới sau khi thu hoạch sẽ được hợp tác xã bao tiêu hết.
Theo tính toán củangành nông nghiệp, trồng dưa lưới trên đất lúa, với diện tích 1.000 m2 năng suất trung bình khoảng 2 tấn trái. Trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 17 - 20 triệu đồng. So với canh tác lúa lợi nhuận khá cao, điểm cộng của mô hình còn phù hợp với nông dân ít vốn sản xuất. Bởi chi phí trồng ngoài ruộng thấp hơn từ 30 - 40% so với trồng trong nhà lưới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo