Thị trường

Giá nông sản ngày 5/2/2024: Cà phê và hồ tiêu trụ vững ở mức cao

Ghi nhận giá nông sản ngày 5/2, mặt hàng cà phê và hồ tiêu giữ ổn định so với hôm qua.

Xuất khẩu thuỷ sản 2024 dự báo đạt 9,5 tỷ USD nhờ những cú “bẻ lái” / Người trồng thanh long Bình Thuận tiết kiệm 50% năng lượng nhờ chuyển đổi xanh

Giá nông sản ngày 5/2: Cà phê cao nhất đạt 79.000 đồng/kg

Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 77.700 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 77.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 78.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 78.500 đồng/kg.

Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 78.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 78.300 đồng/kg.

Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 79.000 đồng/kg, 78.900 đồng/kg.

Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 78.400 đồng/kg.

Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 77.600 - 79.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024 ở mức 3.237 USD/tấn, giao tháng 5/2024 ở mức 3.116 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 ở mức 191,95 cent/lb, giao tháng 5/2024 ở mức 189,00 cent/lb.

Giá nông sản ngày 5/2/2024: Cà phê và hồ tiêu trụ vững ở mức cao

Ảnh minh họa. Ảnh: Lương Vinh.

Việt Nam là quốc gia có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Riêng sản lượng cà phê Robusta, nước ta đứng đầu thế giới.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, trên thị trường thế giới cà phê đang trong cơn "bão giá" vì mất cân bằng cung - cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nên hưởng lợi.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023 nước ta xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn cà phê, thu về 4,18 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử.

Tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 620 triệu USD, tăng đột biến 103% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.

Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam thông tin: “Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”. Thực tế cho thấy, năm qua các doanh nghiệp gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.

 

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cà phê năm 2024 sẽ giảm xuống mức 1,66 triệu tấn. Song, kim ngạch xuất khẩu cà phê kỳ vọng đạt 5 tỷ USD nhờ giá neo ở mức cao.

Giá nông sản ngày 5/2: Hồ tiêu cao nhất đạt 83.500 đồng/kg

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 83.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 83.500 đồng/kg.

 

Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 81.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 81.000 đồng/kg.

Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 81.000 - 83.500 đồng/kg.

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2023, cả nước xuất khẩu 264.000 tấn tiêu, tăng gần 14% so với năm 2022. Trong đó, xuất đi Trung Quốc chiếm hơn 60.000 tấn và đa số xuất tiểu ngạch. Các doanh nghiệp trong VPSA chỉ xuất được trên dưới 200.000 tấn, thấp hơn so với năm 2022 và thấp nhất trong vài năm gần đây. Qua đó cho thấy năm 2023 là một năm rất khó khăn cho ngành hồ tiêu.

Tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai điều lệ, nhiệm vụ năm 2024”, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPSA cho biết, khó khăn trước tiên là do nhu cầu thị trường sụt giảm, nhất là các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ và Trung Đông, do sau dịch Covid-19 hàng tồn kho còn nhiều, và xung đột giữa Nga và Ukraine cũng gây phần nào ảnh hưởng tới tiêu dùng hồ tiêu.

 

“Năm 2023, hành vi mua hàng của người mua thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây, giá thấp hay giá cao họ cũng mua thì năm 2023 họ chỉ mua giá thấp”, ông Hiên nói.

Cụ thể, cuối năm 2022 đầu năm 2023, giá hồ tiêu ở mức 58.000 - 60.000 đồng/kg, khách ngoại mua nhiều và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với số lượng khá lớn. Đến giữa tháng 2, giá tiêu tăng từ 58.000 - 60.000 lên 75.000 - 76.000 đồng/kg thì khách ngoại không mua, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lo thu gom hàng giá cao giao cho các hợp đồng giá thấp.

Đến tháng 4/2023, khi những hợp đồng giá thấp đã giao xong mà nhu cầu vẫn cứ “nằm yên” và cuối cùng giá tiêu giảm về mức 65.000 - 68.000 đồng/kg. Ở mức giá này khách ngoại mua lai rai nên giá đi ngang đến giữa tháng 11, lúc đó Việt Nam đã xuất khẩu được 230.000 tấn tiêu, điều này cho thấy lượng tồn kho trong dân không còn nhiều. Chính vì vậy giá nội địa lại tiếp tục tăng lên 88.000 - 89.000 đồng/kg, có lúc giá lên tới 91.000 đồng/kg.

“Nhiều người cho rằng đây là cơ hội lớn vụ tiêu 2024, nhưng khi doanh nghiệp chào ở mức giá này thì chẳng ai mua, cuối cùng giá giảm xuống 77.000 - 80.000 đồng/kg, và đang đứng ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg. Đó là những khó khăn rất lớn do nhu cầu giảm”, ông Hiên nói.

Khó khăn thứ hai đến từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước sản xuất tiêu, đặc biệt là Brazil. Giá thành tiêu của Brazil luôn thấp hơn Việt Nam nên sẵn sàng bán với mức giá từ 300-500 USD/tấn.

 

Khó khăn thứ ba cũng rất quan trọng đó là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng hồ tiêu, nhất là sự cạnh tranh về giá.

“Tôi nhận thấy lợi nhuận của ngành hàng đang bị lãng quên, vì đa số doanh nghiệp chạy theo chi phí và doanh thu, nếu tình hình kéo dài thì đến một lúc nào đó sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt và không còn nguồn lực để tái đầu tư đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, Phó Chủ tịch VPSA cảnh báo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm