Nông sản thực phẩm thích ứng với rào cản
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết qua những con số đánh giá trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy xuất khẩu (XK) ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam so với cùng kỳ năm ngoái là có giảm sút.
“Tất nhiên, chúng ta vẫn nói là tăng trưởng so với năm trước, nhưng mà theo mức độ mong muốn thì lĩnh vực này chưa đạt được như vậy”, ông Hải nói.
Không chỉ toàn “màu hồng”
Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 33,18 tỷ USD, chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với mặt hàng rau quả XK đạt 2,3 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Hội nghị quốc tế về ngành thực phẩm ứng phó rào cản hội nhập tổ chức ở Tp.HCM ngày 13/11 trong khuôn khổ Triển lãm công nghiệp thực phẩm (Vietnam Foodexpo) 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải có rất nhiều nguyên nhân cho sự sụt giảm, trong đó có vấn đề bất ổn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biến động địa chính trị… khiến doanh nghiệp (DN) Việt gặp khó khăn hơn khi XK.
Ông Hải cho rằng một trong những vấn đề đã được nói rất nhiều là các rào cản và những quy định về chất lượng, về rào cản kỹ thuật đã làm hạn chế việc XK của các DN Việt vào những thị trường mà Việt Nam vốn có thế mạnh.
“Chính vì vậy, DN Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan liên quan của các bộ ngành, các hiệp hội, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt được những quy định, rào cản kỹ thuật của các nước”, ông Hải lưu ý thêm.
Điều này đòi hỏi DN chế biến, XK nông sản thực phẩm cần phối hợp với các cơ quan liên quan để vượt qua những rào cản mà hiện nay đang vấp phải trên rất nhiều thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các DN Việt cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế để phát triển XK một cách bền vững.
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bối cảnh cho XK nông sản thực phẩm không chỉ toàn “màu hồng”. Điều này có thể thấy ở việc suy giảm kinh tế ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc. Đó còn là tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, như việc có nhiều biện pháp phi thuế quan được áp dụng ở các thị trường, kể cả với các đối tác từ những hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Dương đánh giá khó khăn nhất là rào cản quy định có tính chất kỹ thuật, không chỉ là SBS (kiểm dịch vệ sinh động thực vật) và TBT (rào cản kỹ thuật trong thương mại) ở các thị trường nước ngoài. Điển hình như rau quả ở Nhật Bản, cá tra ở Mỹ, IUU (Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) ở EU, thương mại chính ngạch ở Trung Quốc và ở Australia là việc tăng cường quản lý, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thích ứng, chứ không “đối phó”
Để các DN XK nông sản, thực phẩm chế biến ứng phó tốt hơn, vị chuyên gia của CIEM cho rằng cần đòi hỏi một tâm thế chủ động và có trách nhiệm. Có nghĩa là DN nên thích ứng chứ không “đối phó”. Bản thân DN cũng nên có trách nhiệm với nhau vì một DN gặp vấn về an toàn thực phẩm thì có thể ảnh hưởng đến XK của cả ngành.
Ở góc độ DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm chế biến đứng trước những rào cản như hiện nay, ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Bibica (thành viên của PAN Group), cho rằng các nhà sản xuất thực phẩm không nên dựa vào rào cản thuế quan bảo hộ để tồn tại, mà cần “mở cửa” ra, sòng phẳng với thế giới.
Để xóa bỏ những rào cản phi thuế quan, xét về mặt kỹ thuật, DN nông sản thực phẩm Việt cần ứng dụng công nghệ mới, xu hướng mới vào sản xuất. Có nghĩa là, nếu trước đây nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu là hóa chất, phụ gia có chứa độc tố thì xu hướng hiện nay trên thế giới hướng tới sử dụng nguyên liệu nghiêng về mảng sinh học để phục vụ chế biến.
“Điều đó rất có lợi cho tương lai người tiêu dùng và DN. Các DN sản xuất nông sản thực phẩm trong PAN Group hiện nay đang đi về xu hướng mới này”, ông Chiến nói.
Các DN thực phẩm không thể tiếp tục sử dụng các nguyên liệu từ hóa chất vô cơ để làm sản phẩm tốt hơn, thay vào đó cần tạo ra những sản phẩm thực phẩm ngon tự nhiên.
Theo lãnh đạo Bibica, sự phát triển bền vững của DN luôn luôn nằm ở khâu chế biến, nằm trong mối quan hệ giữa đối tác với đối tác và giữa con người với nhau. Điều này đòi hỏi DN chế biến phải theo dõi chặt chẽ theo từng công đoạn.
Chẳng hạn với nhà cung cấp, DN phải làm việc với họ liên quan đến đầu vào phải đạt các tiêu chuẩn như HACCP, ISO... Có đầu vào tốt thì DN sẽ có những sản phẩm chuẩn mực để đưa ra thị trường toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI