Nông sản thực phẩm Việt trước lựa chọn 'sống còn' ở chế biến sâu
Vàng cần chất xúc tác rất mạnh để phá vỡ xu hướng giảm / Tín dụng ngân hàng tăng nhanh trở lại
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Nafoods Group, cho biết dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tính đến tháng 12/2020 công ty vẫn giữ đà tăng trưởng 30 - 40%. Đặc biệt là thông qua xu hướng mua sắm trực tuyến thì công ty cũng có nhiều sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng cao.
Nỗ lực lớn để tự cứu mình
“Chẳng hạn như ở thị trường Nga và các quốc gia lân cận, khi xảy ra dịch bệnh họ dùng rất nhiều sản phẩm trái cây sấy dẻo của chúng tôi với sức tiêu thụ mỗi tháng khoảng 25 container”, ông Hùng tiết lộ.
Chế biến sâu hơn nữa sẽ giúp DN nông sản thực phẩm Việt trụ vững giữa nhiều thách thức từ dịch Covid-19.
Đây có thể xem là kết quả đáng khích lệ ở một doanh nghiệp (DN) nông sản thực phẩm nội địa khi mà nhiều DN khác trong lĩnh vực này vẫn đang đối mặt những khó khăn về đầu ra do tác động của dịch bệnh.
Theo ông Hùng, để ngành nông sản thực phẩm Việt thay đổi và thích nghi với dịch Covid-19 thì vấn đề chế biến sâu vẫn là yếu tố cốt lõi. Các DN cần thay đổi tư duy để có thêm nhiều sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, đạt được các chứng chỉ quốc tế về an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Chia sẻ với các DN ở Tp.HCM hồi tuần trước tại một diễn đàn về ngành thực phẩm, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm là trong giai đoạn dịch bệnh như thời gian qua thì nhiều DN thực phẩm đã nỗ lực lớn để tự cứu mình.
Tuy nhiên, điều mà DN trong lĩnh vực này rất cần tiếp tục có những thay đổi tích cực trong xúc tiến thương mại ở giai đoạn mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) thay vì quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến cho một số lĩnh vực trong ngành nông sản thực phẩm phải điêu đứng khi gặp những tình huống rủi ro khó lường.
Ở góc độ quản lý, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng trong hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành thực phẩm Việt nhằm tạo ra giá trị gia tăng hơn nữa khi mà sản lượng đã đến ngưỡng đã và đang có những cảnh báo về việc không tăng sản lượng nữa mà đi vào chế biến.
“Khi đã đi vào chế biến thì càng sâu càng tốt để tạo ra giá trị gia tăng. Có chế biến sâu rồi, muốn tăng hơn nữa giá trị của sản phẩm thì không có cách nào khác là phải làm mạnh thương hiệu”, ông Phú nói.
Những nhận định cho thấy trong năm 2021 và những năm tới thì DN ngành thực phẩm Việt sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường XK. Do đó, việc tập trung nhiều hơn nữa cho hoạt động chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thực phẩm là điều vô cùng cần thiết nếu DN muốn trụ vững.
Giá trị gia tăng cần phải đến từ những nông sản đã qua chế biến, nhưng đây cũng là một trong những “nút thắt” lớn mà ngành nông sản thực phẩm cần có những giải pháp hiệu quả hơn để cải thiện.
Tái cơ cấu giá trị gia tăng nông sản
Như chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong 11 tháng của năm 2020, với tổng kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản đạt 37,4 tỷ USD, trong đó các sản phẩm chế biến chiếm 10,7 tỷ USD (chiếm tỷ lệ khoảng 30%).
Đây được cho là có sự cải thiện đáng khích lệ từ khả năng của một số DN thực phẩm Việt, nhất là khi mà hai năm trước tỷ lệ sản phẩm chế biến chỉ chiếm 10% trong tổng số kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản.
“Điều quan trọng là cần có thêm những tổ hợp chế biến gắn bó với vùng nguyên liệu, vừa liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp vừa giải quyết vấn đề XK và vừa gia tăng giá trị nông sản”, ông Toản nhấn mạnh.
Số liệu cho thấy tính đến năm 2020 cả nước có trên 7.500 DN chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với XK, tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Tuy vậy, năng lực chế biến công nghiệp với ngành nông sản thực phẩm được đánh giá vẫn còn thấp, thể hiện rõ nhất ở khả năng thu hút nông sản nguyên liệu. Trong các ngành rau quả, thịt, khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5-10% sản lượng hàng năm.
Những “nút thắt” được chỉ rõ là quy mô đầu tư chế biến nông sản thực phẩm vẫn chưa hợp lý, việc thiếu cân đối với phát triển nguyên liệu.
Bên cạnh đó, có sự chênh lệch lớn về năng lực chế biến giữa các loại nông sản, làm hạn chế giá trị của sản xuất nông nghiệp nói chung. Hơn nữa, có sự chênh lệch về công nghiệp chế biến giữa các vùng miền và chế biến chưa đủ sâu, chưa đa dạng, linh hoạt theo mùa vụ...
Theo giới chuyên gia, thời gian tới ngành nông sản thực phẩm Việt sẽ còn nhiều việc phải làm. Thứ nhất là giải quyết căn bản bài toán tái cơ cấu chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng.
Thứ hai là vấn đề thị trường. Nếu không có những DN chế biến nòng cốt đi đầu thì quá trình vận hành thị trường và trao đổi thông tin XK sẽ còn nhiều khó khăn.
Thứ ba là sự thay đổi của người nông dân. Họ có nhiều vấn đề mà Nhà nước không thể làm thay thị trường và không thể quyết định thay thị trường. Và chính thị trường là sự phản ánh tích cực nhất để người nông dân phải thay đổi.
Mặc dù thời gian qua người nông dân cũng đã có sự thay đổi tích cực nhằm đưa nguyên liệu nông sản của mình trở nên an toàn hơn, nhưng vẫn rất cần hơn nữa sự chuẩn hóa khi tham gia vào chuỗi giá trị chế biến thực phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng