Đã 20 năm nay, kể từ khi người dân đầu tiên tại xã An Bình, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) du nhập và đưa con ba ba gai về nuôi. Chính từ hiệu quả kinh tế mang lại mà số hộ nuôi ba ba gai đã ngày càng tăng. Nghề nuôi ba ba gai đã giúp người dân An Bình thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2012, tại thôn Bằng Trạch, xã An Bình, huyện Kiến Xương, ai cũng biết đến gia đình ông Phạm Hữu Chính, đã dành 500m2 tại khu đất chuyển đổi của gia đình để nuôi ba ba gai, một con vật nuôi đặc sản tại xã An Bình đã 20 năm nay.
Ông Chính đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây ao và mua 300 con giống ba ba gai ở Ba Khe, Yên Bái về nuôi.
Ông Phạm Hữu Chính - xã An Bình, huyện Kiến Xương:Năm 2012 tôi thấy một số người bạn nói nuôi ba ba gai khá hiệu quả, tư vấn tôi nuôi, sau đó tôi đầu tư 50 triệu xây dựng 2 bể hơn 200m2, 50 triệu mua 300 con ba ba giống, rồi tiền thức ăn trong 3 năm khoảng 30 triệu nữa 130 triệu.
Nuôi ba ba gai thương phẩm cần ít nhất 3 năm mới được xuất bán, nên ông Chính đã áp dụng nuôi theo hình thức gối lứa, dành 1 ao nuôi con giống và 2 ao nuôi thương phẩm.
Ông Phạm Hữu Chính - xã An Bình, huyện Kiến Xương:Đầu tiên là chọn con giống, không bị còi, bị mù mắt. Thứ 2 là nguồn nước ao nuôi luôn đảm bảo sạch, tránh ba ba gai bị nấm ngứa. Lượng thức ăn với ba ba thương phẩm khoảng 10-12kg/ ngày.
Ông Nguyễn Công Uân - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, huyện Kiến Xương:Con ba ba gai du nhập về An Bình đã 20 năm nay, từ 2 - 3 hộ nuôi đầu tiên năm 1999, cho đến giờ đã nhân lên thành 85 hộ nuôi, tập trung chính ở thôn Bằng Trạch.
Do ba ba gai có thời gian sinh trưởng mạnh từ tháng 2 cho đến tháng 10, nên cần cho ba ba ăn đều đặn, no đủ, thức ăn sạch. Còn lại 3 tháng mùa đông là ba ba ngủ đông, ít ăn nên chậm lớn.
Ông Đỗ Xuân Quý - xã An Bình, huyện Kiến Xương:Ba ba sinh trưởng mạnh nhất là năm thứ 2, 3, nếu nuôi được 4 năm thì tốt nhất. Trong quá trình nuôi phải định kỳ rắc vôi xử lý môi trường ao nuôi, thả thêm bèo để hút chất bẩn trong nước.
Ông Nguyễn Công Uân - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, huyện Kiến Xương:Đối với công tác Hội, chúng tôi có mở lớp tập huấn do phòng Nông nghiệp huyện và Hội tổ chức, kết hợp với các buổi thảo luận, tọa đàm giữa các hộ nuôi để hộ nuôi nhiều chia sẻ kinh nghiệm cho hộ nuôi ít, làm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả nuôi thả.
Ba ba gai với ưu điểm có trọng lượng lớn, sau thời gian nuôi 3 năm đã đạt trọng lượng từ 2,5kg – 4kg/mỗi con, với giá bán dao động từ 420 – 480 nghìn đồng/kg. Chính vì mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, mà địa phương xã An Bình, huyện Kiến Xương đang khuyến khích người dân duy trì và nhân rộng, để đưa ba ba gai trở thành con vật nuôi đặc sản chủ lực tại địa phương.
Theo Phương Thúy/Đài PTTH Thái Bình
Theo Phương Thúy/Đài PTTH Thái Bình