Thị trường

Phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường

DNVN - Về lâu dài, đối với những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Chúng ta sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.

Long An: Nông dân trồng thanh long điêu đứng do ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona / Thị trường hoảng loạn giữa đại dịch Corona, nhà đầu tư Việt nên làm gì?

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 05/02, một trong những vấn đề được báo chí quan tâm là chủ trương và cơ chế giải quyết tình hình hàng trăm xe hàng chờ thông quan ở cửa khẩu biên giới trong bối cảnh xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (nCoV).
Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Năm 2019 xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 11,13 tỷ USD, chiếm 26,4%. Đối với tình hình 365 xe hàng tồn đọng ở cửa khẩu Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Cụ thể, ngay chiều 3/2, chúng tôi đã họp khẩn để đưa ra giải pháp giải quyết tình trạng này. Hiện nay, 365 xe hàng đã được xử lý thông quan đúng quy định.
Trước mắt, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Bộ Công Thương không tiếp tục chuyển hàng nông sản lên biên giới nữa mà tập trung tiêu thụ tại nội địa, chế biến sâu sản phẩm. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp và địa phương hướng đến giải pháp chế biến sâu hàng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường. Hiện tại, mới chỉ có 9 loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đã và đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xử lý kịp thời những vấn đề này", ông Phùng Đức Tiến thông tin.

Nông sản dồn ứ ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) bắt đầu được thông quan hôm 05/02. (Ảnh: TNO)

Trả lời cụ thể vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp do Virus nCoV có tác động toàn diện ở tất cả các mặt lên toàn cầu từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại.
Đối với lĩnh vực thương mại, theo ông Đỗ Thắng Hải, dịch Corona tác động ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba. Có thể thấy, dịch bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các mặt từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và kể cả thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp...
Một số tác động đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra, đó là: Kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập); giao thương qua đường bộ giữa hai nước giảm sút; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm. Về nhập khẩu vào Việt Nam, một số khó khăn có thể xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường thứ ba. Về cân đối cung cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu/thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Theo đánh giá của ông Đỗ Thắng Hải, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường có biến động (khách quan hay chủ quan) đều tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và khó kiểm soát chất lượng, khi phát sinh biến động bất lợi từ thị trường Trung Quốc là khó có thể chuyển hướng ngay thị trường thay thế vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của các nước thứ ba.
Chính phủ rất quyết liệt trong việc đối phó với dịch, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc. Ngay 05/02/2020, để kịp thời giải quyết các khó khăn trong khâu giao nhận hàng quan cửa khẩu biên giới, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 808/VPCP – KTTH, theo đó cho phép việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm và trái cây sang thị trường Trung Quốc để cập nhật thông tin, phối hợp triển khai một số công việc về xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đất liền; có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, về lâu dài, đối với những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Ta sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.
Để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch Corona đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương, các siêu thị, hệ thống phân phối trên địa bàn toàn quốc kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối của mình đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận trong điều kiện dịch bệnh nCoV đang có nguy cơ lan rộng.
UBND Lạng Sơn cho biết: Từ 14h ngày 05/02, hàng chục xe hàng chở nông sản, hoa quả dồn ứ do ảnh hưởng của virus Corona bắt đầu được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Quyết định mở cửa khẩu Hữu Nghị để thông quan hàng hoá sau khi có văn bản cho phép của Thủ tướng và trao đổi với phía Trung Quốc.
Đây là cửa khẩu duy nhất thực hiện thông thương hàng hoá, nông sản đối với các đơn hàng đã có hợp đồng mua bán ngoại thương bị dồn ứ. Còn đối với xe hàng không có hợp đồng thì vẫn phải đợi đến khi các cửa khẩu, cặp chợ biên giới mở cửa chính thức.
Dù vậy, để ngăn chặn dịch bệnh, phía Việt Nam và Trung Quốc thống nhất áp dụng các biện pháp giám sát nghiêm ngặt, cách ly toàn bộ xe, chủ hàng cùng đội ngũ tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá.
Ông Nguyễn Tiến Bộ - chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị - cho biết, nếu thành công trong việc vừa thông quan hàng hóa, vừa kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Lạng Sơn sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng cửa khẩu duy trì song song 2 nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh và thông quan hàng hóa bình thường trong những ngày tới.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm