Thị trường

Phú Thọ: Hai chàng trai trẻ chung chí hướng khởi nghiệp

Là hai chàng trai thuộc thế hệ 8X, cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hạ Hòa (Phú Thọ), Nguyễn Văn Quỳnh và Hà Văn Tú có chung đam mê khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao trên chính mảnh đất quê hương, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo lãnh đạo huyện Hạ Hòa, trong lĩnh vực nông nghiệp, một số mô hình đang hướng tới nền sản xuất hữu cơ, công nghệ cao (CNC), nông sản chất lượng; gắn sản xuất với chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài mô hình sản xuất rau an toàn ở Vĩnh Chân của anh Quỳnh, trồng rau quả CNC ở Mai Tùng của anh Tú… còn có các trang trại trồng cây ăn quả, HTX nông nghiệp - dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, thủy sản…

Nông nghiệp công nghệ cao

Tốt nghiệp ngành Trồng trọt Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), chàng kỹ sư Nguyễn Văn Quỳnh chưa tìm kiếm được công việc phù hợp cho mình, nên chọn con đường xuất khẩu lao động. Trong thời gian ở Hàn Quốc, anh được làm việc tại một cơ sở nông nghiệp CNC. Đây là môi trường tốt để anh tranh thủ học tập, tích lũy kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ ở quê hương.

Bằng số vốn tích cóp trong thời gian lao động ở xứ người, ngay khi về nước, Quỳnh mở trại chăn nuôi gà giống, thuê đất trồng chuối. Tuy nhiên, việc thuê đất khiến cho sản xuất bấp bênh, cây trồng vào thời kỳ thu hoạch thì chủ đất đổi ý, muốn đòi lại. Quỳnh quyết định đầu tư tích tụ đất đai để làm ăn bài bản và bền vững hơn. Cuối năm 2018, Quỳnh thương thảo thuê, mua quyền sử dụng đất nên đã có trong tay hơn 3 ha ruộng tốt giữa đồng khu 8, xã Vĩnh Chân.

Cùng với duy trì đàn gà bố mẹ 2.000 con, bảo đảm mỗi ngày xuất chuồng 300 gà giống, anh triển khai dự án nông nghiệp hữu cơ của mình với 2 ha dưa lê Hàn Quốc, 1 ha măng tây; đồng thời thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ngọc Linh.

Được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây trồng của anh phát triển tươi tốt. Anh chủ động gieo hạt “lệch pha” để có sản phẩm thu hoạch liên tục, nên có lô dưa đã chín, có lô mới lốm đốm hoa vàng. Lứa dưa đầu cho thu quả bán được giá 60 - 70 ngàn đồng/kg. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Quỳnh cho biết vụ dưa này chắc chắn HTX Ngọc Linh có lãi ít nhất khoảng 500 triệu đồng.

Mô hình trồng dưa theo CNC của anh Hà Văn Tú.

Không đủ nông sản để bán

Để hỗ trợ dự án khởi nghiệp của Nguyễn Văn Quỳnh, Phòng NN&PTNT và các cơ quan hữu quan của huyện Hạ Hòa đang tích cực giúp HTX xây dựng, áp dụng quy trình trồng dưa, măng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ Vĩnh Chân, ngược đê sông Thao, giữa cánh đồng khu 3 xã Mai Tùng có khu nhà lưới rộng 2.000 m2. Chủ nhân khu nhà lưới này là Hà Văn Tú, sinh năm 1982. Anh là con út của một gia đình có 8 anh chị em. Học hết THPT, Tú vào miền Nam tìm việc, học kinh doanh và kết duyên với cô bạn gái xứ Thanh.

Năm 2012, khi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết, vợ chồng Tú ra Hà Nội thành lập doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho các nhà hàng, bếp ăn cơ quan, trường học. Từng bước phát triển quy mô kinh doanh, chẳng bao lâu, doanh số bán hàng hàng năm của công ty đã vượt qua con số 30 tỷ đồng.

Hướng tới tự sản xuất đáp ứng một phần nguồn rau, quả, củ an toàn cho khách hàng, năm 2015, Tú về quê thuê 40 ha đất bãi giữa sông trồng hơn 30 nghìn cây chuối Tây. Trên đất phù sa màu mỡ, sau 3 năm, cây chuối đã cho sản lượng ổn định hơn 200 tấn quả/vụ.

Tiếp tục phát triển nông nghiệp, năm 2018, Tú mua và thuê được hơn 3 ha đất ruộng, trồng 200 gốc chanh không hạt, 2.000 gốc chuối tiêu hồng và được Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng trọt theo CNC. Trong khu nhà lưới đầu tiên ở huyện Hạ Hòa, Hà Văn Tú cùng với Hà Mạnh Tuyên - người đã từng có thời gian 7 năm làm nông nghiệp ở Israel - tiến hành trồng dưa theo công nghệ nước bạn.

Mấy ngàn gốc dưa được trồng trong chậu, chất dinh dưỡng hòa vào nước tưới bón định kỳ. Anh Tú cho biết: “Cũng như chuối và chanh, đầu ra cho dưa trồng theo CNC sẽ là chuỗi các nhà hàng, bếp ăn ở Thủ đô, chỉ lo không đủ nông sản mà bán”.

Đây là 2 mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp địa phương với những mối liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa. Điểm chung của các mô hình là đều do các ông chủ trẻ tạo ra.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo