Quan ngại về vốn vay Nhật Bản và phản hồi từ phía JICA
Cách mạng công nghiệp 4.0: Chấp nhận cuộc chơi mất còn / Nông dân Sa Đéc thuần hóa nhiều giống cây kiểng "độc, lạ"
Chi phí vay vốn tăng, ít doanh nghiệp Việt Nam được tham gia là những điểm đang gây quan ngại về dòng vốn ODA từ Nhật Bản. Trong khi đó, Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho biết, số lượng các công ty Việt Nam luôn cao hơn số lượng các công ty Nhật Bản tham gia trong các hợp đồng đồng thuận từ JICA trong các năm tài khoá từ 2010 đến 2016.
Chi phí vay vốn tăng, ít doanh nghiệp Việt Nam được tham gia là những điểm đang gây quan ngại về dòng vốn ODA từ Nhật Bản. Trong khi đó, Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho biết, số lượng các công ty Việt Nam luôn cao hơn số lượng các công ty Nhật Bản tham gia trong các hợp đồng đồng thuận từ JICA trong các năm tài khoá từ 2010 đến 2016.
Cầu Nhật Tân - một dự án hạ tầng sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản.
Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực và đã trở thành đối tác chiến lược từ năm 2014 đến nay. Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn cam kết khoảng 30 tỷ USD tính từ năm 1992 đến năm 2017.
Ưu đãi giảm dần
Số liệu từ Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong giai đoạn trước tháng 10/2017, vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam có lãi suất dao động từ 0,1-1,4%/năm với thời gian trả nợ từ 25-40 năm và thời gian ân hạn là 7-10 năm.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về việc chuẩn bị thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018 cho biết, từ ngày 1/10/2017, Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh giảm mức ưu đãi, tăng lãi suất cho vay đối với Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, lãi suất vay thông thường tăng từ 1,2% lên 1,5%, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục y tế, dạy nghề, môi trường, biến đổi khí hậu tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm.
Theo Bộ Tài chính, dù các khoản vay này đang giảm dần tính ưu đãi, các điều kiện vay vẫn khắt khe nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu, công ty Nhật Bản, như đưa ra các quy định về chính sách thuế đối với nhà thầu, tư vấn Nhật Bản; quy định về ràng buộc xuất xứ nhà thầu, phương thức mua sắm.
Đồng thời, trong quá trình thẩm định khoản vay, phía Nhật Bản đưa ra các quy định theo hướng tăng chi phí dự án và quy mô khoản vay như quy định về mức lương tư vấn quốc tế và trong nước, mức dự phòng trượt giá... Đáng chú ý, mức lương phía Nhật Bản yêu cầu để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 của Nhật Bản là khoảng trên 30.000 USD/tháng/người ( -10%), chưa kể các khoản phụ cấp.
Chung niềm tin, chia sẻ lợi ích
Phân tích về việc sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản trong điều kiện kinh tế hiện nay, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các nguồn vốn ODA không còn ưu đãi như trước song do ngân sách nhà nước không dôi dư nên chúng ta vẫn phải chấp nhận những điều kiện khắt khe hơn để có ngân sách cho đầu tư phát triển kinh tế.
"Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đã có mối quan hệ hữu nghị lâu dài và luôn đặt niềm tin lẫn nhau. Do đó, trong các cuộc đàm phán, chúng ta cần thẳng thắn thương lượng để tránh chấp nhận các điều kiện quá bất lợi", ông Doanh nhấn mạnh. "Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Việt Nam đã thay đổi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có năng lực hoạt động tốt hơn và hoàn toàn có thể đảm đương nhiều phần việc trong các dự án. Do đó, chúng ta có thể xem xét lại các hợp đồng vay vốn, thương lượng để có thêm nhiều chuyên gia và doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia thực hiện các dự án này".
Về định hướng sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới, ông Doanh cho rằng, do tính ưu đãi của nguồn vốn này gần như không còn nên chúng ta cần tránh tinh thần "sùng bái" ODA, không hẳn cứ có vốn là làm bất kể chi phí vay quá cao.
"Trong công tác quản lý, nên chia rõ trách nhiệm vay và trả của các bên thay vì chỉ quy về một mối là Bộ Tài chính. Về vốn nay ODA của Nhật Bản, thực tế, sự phát triển và thành công của kinh tế Việt Nam từ nguồn vốn này cũng mang lại lợi ích cho Nhật Bản nên chúng ta cần thương lượng để đôi bên cùng có lợi và hưởng lợi lâu dài", ông Doanh nói.
Dựa trên đấu thầu cạnh tranh
Phản hồi về những nội dung trên, ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho biết: "Chúng tôi không có bản copy báo cáo của Bộ Tài chính nên không thể bình luận về những nội dung đó".
Liên quan đến nội dung lương chuyên gia Nhật Bản tại các dự án này với nhiều ý kiến nhận xét là quá cao và chiếm tỷ lệ quá mức cần thiết trong tổng chi phí sử dụng vốn vay Nhật Bản, vị Trưởng đại diện JICA Việt Nam muốn đính chính cách hiểu và làm rõ là mức lương tháng trung bình được nêu này là không chính xác.
"Mức lương tháng thực tế sẽ được quyết định dựa trên đề xuất đấu thầu cạnh tranh. Chúng tôi có đưa ra hướng dẫn tính lương với mục đích để ước tính chi phí, nhưng mức này cũng không thể vượt quá mức lương chuyên gia tư vấn quốc tế cho các dự án vốn vay. Đồng thời, phía Việt Nam và JICA cùng xem xét vấn đề này rất cẩn trọng trong giai đoạn thẩm định", ông Konaka chia sẻ, "Về tỷ trọng tư vấn, nói chung, không cao trong tổng số các dự án vay vốn ODA. Vì vậy, nếu báo cáo cho rằng chi phí tư vấn gây tăng tổng vốn vay là không thỏa đáng. JICA đồng ý với quan điểm là Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy thêm sự tham gia của các tư vấn trong nước trong các dự án ODA ở Việt Nam".
Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia khá cao
Thực tế, Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam song cũng là bên hưởng lợi từ các hiệp định cho Việt Nam vay vốn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, phía Nhật nên tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia các hợp đồng này.
Trả lời về vấn đề này, JICA Việt Nam đưa ra số liệu cho thấy, số lượng các công ty Việt Nam luôn cao hơn số lượng các công ty Nhật Bản tham gia trong các hợp đồng đồng thuận từ JICA trong các năm tài khoá từ 2010 đến 2016.
"Số liệu này là bằng chứng cho thấy, thông qua kết quả của đấu thầu cạnh tranh trong các dự án ODA Nhật Bản, các công ty Việt Nam được huy động nhiều nhất. Ngay với những dự án theo chương trình "Điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế" (STEP), những công ty không phải công ty Nhật Bản cũng đã tham gia nhiều với tư cách nhà thầu phụ hoặc là các công ty đối tác liên doanh", ông Konaka nhấn mạnh.
Về hành lang pháp lý với vốn vay Nhật Bản, Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực (1/7/2018) đặt ra những quy định về việc tăng cường công khai, minh bạch quá trình thực hiện các dự án. Đây được coi là điểm tiến bộ trong công tác quản lý nợ công. Phía JICA khẳng định hoàn toàn đồng ý về việc Chính phủ Việt Nam tăng cường việc công bố thông tin và minh bạch và tự hào là luôn đảm bảo việc công bố và minh bạch thông tin, kể cả trong so sánh với các nhà tài trợ khác.
JICA cho biết, ngay khi mới thực hiện dự án, cơ quan này đã công bố tên của các đơn vị thầu thành công trong các báo cáo thường niên. Bên cạnh đó, bất cứ khi nào thông qua một dự án cho vay vốn ODA, JICA luôn công bố "Đánh giá tiền dự án/Ex-ante Evaluation Report" của dự án trên website ngay khi ký kết hiệp định vay vốn. Báo cáo này xác nhận những nét chính và kết quả dự kiến của dự án, đồng thời, để đảm bảo tính minh bạch của việc cho vay.
Bên cạnh đó, báo cáo hậu dự án được thực hiện sau khi dự án hoàn thành để đánh giá liệu các các kết quả dự tính và các mục tiêu đặt ra tại thời điểm làm đánh giá tiền dự án có đạt được không. Điều này cũng được công bố trên website của JICA.
"Chúng tôi ủng hộ mọi cải thiện về hệ thống của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng khi việc phân định những điều có thể tiết lộ và những điều cần giữ bí mật để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong quá trình đấu thầu. Chẳng hạn, chúng tôi chỉ công bố tên của đơn vị trúng thầu sau khi ký hợp đồng; báo cáo đánh giá tiền dự án sẽ đưa ra phác thảo về quy mô dự án và tiến độ thực hiện và tổng chi phí dự án", ông Konaka Tetsuo nhấn mạnh.
Vốn vay ODA và vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 từ Nhật Bản:
- Điều kiện vay thông thường với các mức lãi suất từ 0,6% đến 1,2%, thời hạn vay từ 15 năm đến 30 năm, thời gian ân hạn từ 5 năm đến 10 năm;
- Điều kiện vay ưu đãi với các mức lãi suất từ 0,4% đến 1%, thời hạn vay từ 15 đến 30 năm, thời gian ân hạn từ 5 năm đến 10 năm;
- Điều kiện vay ưu đãi với các dự án kỹ thuật cao với các mức lãi suất từ 0,35% đến 0,5%, thời hạn vay từ 15 năm đến 30 năm, thời gian ân hạn từ 5 năm đến 10 năm.
- Điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) có ràng buộc về xuất xứ hàng hoá và nhà thầu:
(1) Nhà thầu tham gia đấu thầu thoả mãn một trong các điều kiện: (i) là công ty Nhật Bản; (ii) Liên doanh do công ty Nhật Bản đứng đầu; (iii) chi nhánh của công ty Nhật Bản tại nước ngoài.
(2) Xuất xứ hàng hoá: Đảm bảo tỷ lệ ít nhất 30% giá trị hợp đồng mua sắm hàng hoá và dịch vụ có xuất xứ từ Nhật Bản.
Nguồn: Báo cáo cập nhật thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 3/8/2018
End of content
Không có tin nào tiếp theo