Thị trường

Quảng Bình: Bảo vệ môi trường tại các làng nghề để phát triển bền vững

Sự phát triển của các làng nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Bình đang đặt ra những yêu cầu bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển bền vững.

Yên Bái: Làm giàu từ mô hình nuôi vịt bầu Lâm Thượng / Thái Bình: Làm giàu từ thanh long

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, Quảng Bình hiện có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với trên 29.770 cơ sở sản xuất, thu hút trên 57.610 lao động tham gia. Các làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm

Theo ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên-Môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tuy không thực sự “nóng” như nhiều địa phương khác trên cả nước nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề đáng quan tâm.

Tại làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch), với việc sản xuất hàng chục nghìn cái bánh tráng mỗi ngày, vấn đề xử lý nước thải đang được người dân hết sức quan tâm.

Các làng nghề tại Quảng Bình có quy mô sản xuất nhỏ nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Các làng nghề tại Quảng Bình có quy mô sản xuất nhỏ nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Chị Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX làng nghề truyền thống Tân An cho biết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tất cả nguồn nước trong quá trình làm bánh đều đã được người dân lọc lại và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, riêng quá trình sản xuất bún phải sử dụng rất nhiều nước.

Với thực tế làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung như hiện nay, việc xả thẳng nguồn nước thải ra hệ thống kênh, mương cũng là điều khiến các hộ dân nơi đây thực sự trăn trở.

Vấn đề môi trường cũng là vấn đề làng nghề truyền thống Mai Hồng (thuộc thôn 8, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch) đang phải đối mặt. Trước đây, 100% người dân làng nghề đều theo nghề rèn đúc. Tên gọi “xóm lò rèn” hay biểu tượng hình bông lúa in trên mỗi sản phẩm nông nghiệp của HTX Mai Hồng thời kỳ đó đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân địa phương.

Nhưng hiện nay, làng nghề này chỉ còn khoảng 45% hộ dân theo nghề truyền thống, số còn lại đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ. Theo ông Châu Minh Vững, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 8, do quy mô sản xuất thu gọn và đặc biệt là các hộ dân đã cải tiến máy móc, dùng các sản phẩm inox để thay thế cho các vật liệu bằng gang, sắt… nên các nguy cơ ô nhiễm môi trường ở làng nghề trước đây, như: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi..., cũng đã được hạn chế nhiều.

 

Mặc dù vậy, các hộ gia đình ở làng nghề truyền thống Mai Hồng chủ yếu tận dụng sân nhà để sản xuất cơ khí nên công tác kiểm soát khói bụi, nước thải, khí thải vẫn chưa được xử lý triệt để, nguồn nước thải chủ yếu vẫn được xả thẳng ra sông Lý Hòa.

Trách nhiệm BVMT

Là tỉnh có nhiều nhóm nghề phong phú, như: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, nghề làm hương, chổi đót, nước mắm, khoai deo, nón lá…, các làng nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Bình đều sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ nông, lâm, thủy sản tại địa phương.

Nhưng do quy mô các làng nghề còn nhỏ, giá trị sản xuất không lớn, các ngành nghề sản xuất ít có chất độc hại tác động đến môi trường nên việc xử lý môi trường chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác thu gom rác thải, xử lý để giữ gìn vệ sinh môi trường.

Để BVMT làng nghề, làng nghề truyền thống được tốt hơn, ông Phan Xuân Hào khẳng định trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, BVMT làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện.

 

Trước mắt, các làng nghề, làng nghề truyền thống cần nhân rộng các mô hình thực hiện xử lý môi trường có hiệu quả tốt; khuyến khích các làng nghề ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường; có cơ chế khuyến khích hình thành các hương ước, quy chế BVMT của các làng, xã để buộc mọi người lao động có trách nhiệm BVMT và giám sát BVMT.

Về lâu dài, cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải theo quy trình; gắn công tác BVMT tại các làng nghề, làng nghề truyền thống với chương trình xây dựng nông thôn mới và chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm