Quảng Bình: Chàng thanh niên làm giàu từ nuôi cá chình
Cà Mau: Nuôi hàu dây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Đầm Dơi / Bạc Liêu tăng cường bảo vệ môi trường nuôi tôm
Anh Võ Văn Sang (Sinh năm 1991, trú tại thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) khi học xong cấp 3 đã theo học trường Đại học Nông Lâm - Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2014, anh Sang về quê nhà Thái Thủy nhưng không kiếm được việc làm.
Bởi vậy, chàng thanh niên ôm tập hồ sơ vào Tây Nguyên xin việc. Anh được nhận làm kỹ thuật trong một công ty lâm nghiệp ở Kon Tum với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Anh Sang luôn ấp ủ trong lòng và ước muốn làm chủ một mô hình trang trại, nhưng trong cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thị trường và sản phẩm có đầu ra ổn định luôn là trăn trở lớn. Qua sách báo, mạng xã hội, anh Sang luôn theo dõi và tìm tòi các mô hình kinh tế để học hỏi và về quê mở trang trại.
Trong một lần về nhà người quen ở Đà Nẵng, anh Sang thấy gia đình họ nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thức ăn của cá chình cũng rất dễ kiếm. Trong khi đó, ở quê nhà huyện Lệ Thủy chưa có ai nuôi loài cá này, nên anh Sang suy nghĩ rồi bỏ việc về quê đào ao nuôi cá chình.
Đầu năm 2016, anh Võ Văn Sang đã quyết định trở về quê hương xây dựng trang trại bằng mô hình nuôi cá chình thương phẩm. Ngày đầu bắt tay vào thực hiện, anh Sang có rất ít vốn liếng tích cóp, nên anh phải vay ngân hàng 150 triệu đồng đầu tư ban đầu. Những công việc như đào ao với diện tích 500m2, mua sắm máy xay thức ăn, máy sục khí, thiết bị đo độ PH (độ chua trong đất, nước), hệ thống cấp và thoát nước đã ngốn hết nguồn tiền.
Đầu tư, lắp đặt hạ tầng ao nuôi đã xong xuôi, anh Sang tiếp tục vay mượn tiền để lên đường vào trung tâm giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa để học hỏi kinh nghiệm và mua cá chình giống về nuôi.
Cá chình nuôi 12 tháng sẽ cho thu hoạch. |
Con cá chình về đất Lệ Thủy hợp nước và thức ăn nên phát triển thuận lợi. Sau khi thả nuôi, đến 12 tháng, lứa cá đầu tiên xuất bán, anh Sang thu về trên 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Anh Sang tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi rộng gấp đôi lên 1.000m2. Từ đó, vụ cá thứ 2 thu hoạch đã cho thu nhập cao, tiền lãi thu được hơn 300 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí).
Trong quá trình nuôi, anh Sang nhận thấy cá chình là loài phát triển nhanh, nhưng đặc tính phân đàn lớn, bởi vậy diện tích ao 1.000m2 chỉ thả được khoảng 1.000 con cá chình là phù hợp. Trong đó, ao phải khoanh lưới thành 5 ô riêng biệt, thời gian nuôi cứ 2 đến 3 tháng, phải thêm công việc xem kích cỡ từng con cá rồi tách đàn cho cá phát triển theo giai đoạn sinh trưởng.
Anh Nguyễn Văn Sang cho biết: “Đặc tính của cá chình sống ở tầng đáy, nên ban ngày ngủ để, chỉ ăn vào buổi đêm. Vì ăn đêm, nên tôi phải cho cá ăn vào lúc 6 giờ tối. Thức ăn của cá chình chủ yếu là các loại cá khác xay nhỏ, mùa hè thì tôi mua cá biển phụ phẩm từ các tàu cá, còn mùa đông thì dùng cá rô phi xay làm thức ăn. Nuôi cá chình phải theo dõi kích cỡ cá để phân đàn, nếu không sẽ cắn nhau; con nhỏ, yếu hơn sẽ bị chết”.
Cá chình hiện tại có giá hơn 500.000 đồng/kg. |
Theo anh Sang thì con cá chình nước ngọt có đặc điểm lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn cho cá có thể kiếm được từ địa phương. Nhưng cái khó là ở nguồn nước, phải kiểm tra nước thường xuyên, nếu nước cạn quá cá sẽ bị nóng hoặc bị lạnh. Nếu bùn, nước nhiễm phèn phải xử lý bằng bón thêm vôi rồi thay nước mới.
Cá chình đến tuổi thu hoạch được được các thương lái đến mua tận ao. Cá thu hoạch bao nhiêu được bán hết đến đó với mức giá trung bình hơn giá 500.000 đồng/kg.
Ngoài nuôi cá chình, anh Sang còn mở rộng sang đầu tư nuôi cá trắm, cá leo và trồng rừng. Diện tích rừng trồng keo tràm rộng 6 héc-ta đã 3 năm tuổi. Từ năm 2017 đến nay, mô hình trang trại tổng hợp của anh Sang cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Anh Sang cho biết sẽ mở rộng diện tích ao nuôi cá chình trong thời gian tới. |
Đầu năm 2018, Võ Văn Sang cùng với hai người anh trong huyện thành lập CLB Khởi Nghiệp huyện Lệ Thủy. Quá trình hoạt động, CLB đã hỗ trợ, đồng hành giúp được nhiều người phát triển nhiều mô hình kinh tế.
Nhờ nghị lực và kiến thức, anh Võ Văn Sang đã bắt tay khởi nghiệp, biến vùng đất đồi núi xã Thái Thủy thành trang trại kinh tế phát triển bền vững. Năm 2018, anh được Tỉnh đoàn Quảng Bình tuyên dương và tặng bằng khen về thành tích “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.
Ông Nguyễn Thành Chuân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thủy cho hay: “Mô hình nuôi cá chình của em Võ Văn Sang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương cũng đã đến tận mô hình của Sang để học hỏi cách nuôi. Em Võ Văn Sang là một hội viên nông dân rất tích cực của xã, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho bà con làm ăn. Địa phương cũng hỗ trợ chính sách vay vốn để Sang tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Anh Sang với ao ương cá chình giống của trang trại.