Nuôi bò thịt, giải pháp thoát nghèo cho người thiểu số ở Quảng Bình
Giá lợn tăng cao, người nuôi ngậm ngùi vì không còn lợn để bán / Bà Rịa-Vũng Tàu: Lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi xen canh tôm và cá chẽm
Ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho hay: “Hiện trên địa bàn huyện có trên 2.700 hộ đồng bào là dân tộc thiểu số chiếm trên 20% số hộ toàn huyện. Những năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã biết cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Đặc biệt, việc phát triển đàn bò cho thu nhập cao đã từng bước giúp bà con thoát nghèo”.
Tăng nhanh đàn bò laiVới lợi thế vùng miền núi đồng cỏ tự nhiên rộng nên bà con đã biết chú trọng phát triển đàn bò. Huyện Minh Hóa lồng ghép nhiều chương trình để tạo được nguồn vốn hỗ trợ ban đầu cho người dân.
Theo ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa, chỉ tính riêng trong năm nay, từ nguồn vốn các chương trình 30a, 135, UBND huyện đã phê duyệt hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo các xã trên địa bàn số tiền gần 6 tỷ đồng để thực hiện 32 dự án chăn nuôi bò lai Sind. Căn cứ vào nhu cầu của người dân, các xã sẽ hỗ trợ các hộ phát triển mô hình nuôi bò lai Sind với mức: mỗi hộ nghèo không quá 10 triệu đồng, hộ cận nghèo không quá 8 triệu đồng và hộ mới thoát nghèo không quá 6 triệu đồng; số tiền còn lại người dân đối ứng.
“Việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo mua bò giống có chất lượng để phát triển chăn nuôi không chỉ giúp họ mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn là tiền đề để huyện Minh Hóa thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị” - ông Tuyết nhấn mạnh.
Với định hướng phù hợp dựa trên tiềm năng thế mạnh nên đến nay, huyện Minh Hóa có tổng đàn trâu bò trên 20.000 con. Trong đó đàn bò có gần 15.000 con (đạt 108% kế hoạch).
Đặc biệt, đàn bò lai Sind có 3.330 con (đạt 126,8% kế hoạch đặt ra). Ông Đinh Gia Tuyết nói: “Năm 2019, chúng tôi đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ nhân dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Trong đó có 840 bò giống lai Sind để nhanh chóng tăng trưởng giống này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.
Nhờ phát triển chăn nuôi bò, hàng ngàn hộ dân Minh Hóa thoát nghèo. |
Hàng ngàn hộ thoát nghèo
Có thể nhận thấy rõ việc phát triển chăn nuôi bò trên huyện miền núi Minh Hóa như là đòn bẩy cho kinh tế hộ gia đình đi lên. Hàng ngàn hộ thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống. Từ chính sách hỗ trợ và hiệu quả chăn nuôi đã thúc đẩy đàn bò ở Minh Hóa có khoảng 7.000 con (năm 2015) tăng lên gần 15.000 con như hiện nay.
Ngoài ra, Minh Hóa còn chú trọng đến công tác tuyên truyền về đề án cải tạo đàn bò đến từng hộ để thay đổi nhận thức và cách làm trong chăn nuôi.
“Chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi để chủ động tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Hợp đồng với các đối tác có năng lực để cung ứng vật tư phối giống bảo đảm chất lượng cao” - ông Đinh Văn Hương cho biết như vậy.
Thu nhập tăng caoThời gian gần đây, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá giỏi ngày càng tăng. Hiện, toàn huyện có hơn 105 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá, giỏi. Trong đó có trên 100 hộ có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm, 70 hộ có thu nhập từ 70 - 150 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò.
Hóa Sơn được xem như là xã rẻo cao của huyện miền núi Minh Hóa. Trước đây, con đường vào Hóa Sơn phải đi qua eo Lập Cập lởm chởm đá và ngược dốc. Bà con muốn nuôi bò cũng không dễ. Khi bò lớn chỉ có giết thịt rồi mang đi chứ không thể lùa qua eo đá được. Nhờ tuyến đường độc đạo vào đây được mở rộng, eo Lập Cập được hạ thấp nên việc đi lại dễ dàng hơn nhiều. Đó cũng là điều kiện để bà con chú trọng phát triển chăn nuôi bò.
Ông Cao Ngọc Điền, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện đàn bò của xã đã phát triển lên trên 600 con, cao nhất từ trước đến nay. “Nhiều hộ gia đình đã vay vốn, mạnh dạn đầu tư vào phát triển đàn bò để có thu nhập cao” - ông Điền nói thêm.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Văn Lưu (xã Hóa Sơn). Gia đình ông có "truyền thống" nuôi bò cóc từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, thu nhập cũng không được nhiều. Được dự các lớp tập huấn về bò lai và về chính sách cải tạo đàn bò nên ông quyết định chuyển hướng. Gia đình ông mua hai con bò cái lai Sind về nuôi và được Trạm Khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật và phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau đó, ông Lưu có hai con bê lai và xuất bán mỗi con hơn 15 triệu đồng.
Ông Lưu so sánh: “Nếu so với bê cóc giống địa phương thì chỉ bán được từ 5 đến 6 triệu đồng. Trong khi đó, bê lai mang lại hiệu quả cao gấp đôi”. Từ cặp bò lai ban đầu, đến nay, đàn bò lai gia đình ông Lưu có trên chục con. Mỗi năm, chỉ với việc xuất bán bê lai cũng cho gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng. Từ mô hình của ông Lưu, hàng chục hộ khác cũng học theo, chuyển từ nuôi bò cóc sang bò lai. “Gia đình chúng tôi có 10 ha đất đồi nên đó cũng là điều kiện tốt để tăng trưởng đàn bò” - ông Lưu hồ hởi cho biết.
Đàn bò của gia đình ông Đinh Văn Lưu. |
Cũng tại các địa phương này, có gần 100 hộ dân phát triển chăn nuôi bò để làm kinh tế. Phong trào bò lai thay thế giống bò địa phương cũng được đẩy mạnh. Ông Đinh Văn Con có đàn bò 5 con cho biết: “Nhà tôi chuyển từ bò địa phương sang bò lai đã được gần 3 năm nay. Thực tế giá bán bê lai hay bò lai lấy thịt đều tăng hơn 2 lần bò cóc. Trong khi đó chi phí cho chăn nuôi cũng gần ngang nhau, thậm chí chăm bò lai còn dễ hơn. Mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập từ đàn bò trên 30 triệu đồng”.
Nhiều năm qua, xã Thượng Hóa được đánh giá có đàn bò nằm trong tốp đầu của huyện Minh Hóa về số lượng. Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã cho hay, hiện toàn xã có đàn trâu bò gần 1.800 con, trong đó đàn bò có trên 1.200 con. “Nhiều gia đình có đàn bò trên 10 con và thu nhập của những hộ có nuôi bò rất chắc và đó cũng là thế mạnh của địa phương” - ông Văn nói.
Đồng bào ở các bản Ón, Yên Hợp (xã Thượng Hóa) có đời sống ngày càng ổn định cũng nhờ vào phát triển chăn nuôi bò. Gia đình ông Cao Ngọc Tuấn (bản Yên Hợp) có đàn bò 15 con là điển hình của bản này. Từ mấy năm nay, đàn bò là thu nhập chính. Mỗi năm, ông bán 2 con bò tơ, thu về cũng được 50 triệu đồng. “Gia đình cứ duy trì đàn 15 con, phù hợp với nhân lực chăn thả. Nếu năm nay bò mẹ đẻ được 4 bê thì sang năm tôi bán 4 con bò tơ, thu về chắc cũng được cả trăm triệu đồng đó” - ông Tuấn vui vẻ cho hay.
Cũng như gia đình ông Tuấn, các hộ Trần Xuân Lập (bản Ón), Đinh Xuân Họi (thôn Khai Hóa)… đều phát triển đàn bò trên chục con. Có được đàn bò, kinh tế gia đình vững chắc hẳn lên. “Nếu có việc gì đột xuất thì gia đình bán một, hai con bò cũng đã có vài chục triệu xử lý rồi. Không phải chạy vạy vay mượn đâu cả” - ông Lập nói chắc.
ÔngĐinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa: “Để khuyến khích bà con phát triển đàn bò lai, chúng tôi đưa ra chính sách hỗ trợ cho mỗi gia đình là 5 triệu đồng. Huyện tiếp tục bảo lãnh cho các hộ vay thêm 2 triệu đồng ở ngân hàng chính sách và số tiền vay mượn được hỗ trợ về lãi suất”.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Nuôi bò lai ở huyện Minh Hóa.