Quảng Nam: Đồng bào Cơ Tu thoát nghèo từ cây dược liệu quý ba kích tím
Huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ba kích là một trong những loài dược liệu quý được địa phương đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 4ha. Vùng trồng cây dược liệu thuộc thôn Aduông, cách thị trấn P’rao chừng nửa giờ đồng hồ đi xe máy và lội bộ đường rừng.
Mô hình trồng cây ba kích tại đây được UBND huyện Đông Giang giao cho Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện triển khai từ cuối 2018. Đến nay, đã có hơn 26.000 cây giống ba kích được trồng dưới tán rừng, tỷ lệ sống đạt từ 85 - 90%.
Thực hiện mô hình này, nhà nước đầu tư 100% cây giống ba kích, phân bón hữu cơ vi sinh, hỗ trợ công chăm sóc, kỹ thuật trồng; Hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác sản xuất để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển cây ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu.
Anh Arấl Tài ở thôn Aduông, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam cho biết, gia đình anh thuộc diện khó khăn, được địa phương hỗ trợ trồng cây ba kích để thoát nghèo.
“Nhà nước cấp giống cho bà con, được chăm sóc kỹ. Mong rằng, cây ba kích lớn để mai mốt bà con thu hoạch và thu nhập”, anh Tài chia sẻ.
Khi tham gia vào mô hình trồng cây ba kích ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, các nhóm hộ đồng bào Cơ Tu được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích.
Chị Pơ Loong Vờn, Cán bộ khuyến nông thị trấn P’rao, huyện Đông Giang cho biết, việc đưa vào trồng cây ba kích là hướng đi đúng. Đây là chương trình trọng tâm của huyện.
“Sau khi nhận được nguồn kinh phí, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện triển khai từ năm 2018. Nhìn chung thấy bà con làm rất tốt. Bà con rất hưởng ứng và hài lòng về mô hình này”, chị Pơ Loong Vờn cho hay.
Để giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây dược liệu.
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200ha.
Tại xã Lăng, huyện Tây Giang đã hình thành vùng bảo tồn cây ba kích tím rộng 6 ha dưới tán rừng nghèo, rừng tự nhiên do Hạt Kiểm lâm Bắc Sông Bung quản lý. Hiện, ngoài HTX Thiên Bình, tại huyện miền núi cao này còn có 2 tổ hợp tác giúp bà con trồng cây ba kích tím cũng như xây dựng thương hiệu ba kích.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở huyện Tây Giang rất lớn. Để sản phẩm ba kích cũng như các loại dược liệu khác của đồng bào Cơ Tu nơi đây sớm trở thành hàng hóa cần có những giải pháp cụ thể hơn.
“Ba kích hiện nay có giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg. Nếu trồng thì có rất nhiều diện tích. Bây giờ chúng ta phải phát triển dược liệu. Tây Giang đã có những sản phẩm đẳng sâm, ba kích. Cho nên tôi đề nghị có đề án cụ thể. Tỉnh sẽ hỗ trợ để bà con có thể làm giàu trên mảnh đất Tây Giang này. Các phòng ban cùng xắn tay áo hướng dẫn bà con. Thị trường bây giờ gần Đà Nẵng, hàng hóa bà con sản xuất ra tư thương lên mua, có thu nhập”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo