Quảng Ngãi: Lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá bớp lồng bè trên đảo Lý Sơn
Lực kéo FDI 'khủng' vào Việt Nam thời hậu Covid-19 / Ấn Độ gia hạn chính sách ngoại thương thêm 1 năm do dịch Covid 19
Trong những năm qua, nhiều mô hình khuyến nông khuyến ngư đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải nói đến mô hình nuôi cá bớp thương phẩm bằng lồng bè trên biển.
Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, những mô hình nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu lớn cho nhiều người dân trên đảo.
Sau nhiều vụ thả nuôi tôm hùm theo kiểu tự phát, nhiều người nuôi trồng thủy sản ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngậm đắng nuốt cay do thất bại.
Khi chính quyền địa phương và ngành khuyến nông vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình nuôi tôm hùm sang nuôi cá thương phẩm, ông Đặng Văn Thành ở thôn Tây, xã An Vĩnh cùng với hàng chục ngư dân trên đảo quyết định bỏ tôm hùm chuyển sang nuôi cá bớp thương phẩm.
Ông Thành bỏ ra hàng trăm triệu đồng làm lồng bè và mua con giống nuôi cá bớp thương phẩm từ vài năm nay. Hiện bè của ông Thành có 40 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán 3 đợt, trên dưới chục tấn cá với giá bán ổn định 130.000 đồng/kg, ông Thành thu lãi hàng trăm triệu đồng.
"Từ ngày chuyển sang nuôi cá bớp thấy rất hiệu quả. Nuôi ngắn ngày, sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 600 triệu đồng mỗi năm" - ông Thành cho biết.
Lý Sơn hiện có 38 hộ ngư dân tham gia nuôi cá bớp thương phẩm với gần 40 bè, quy mô trên 1.000 lồng. Nhờ nắm bắt được quy trình cũng như kỹ thuật nuôi, chăm sóc, nên sản lượng cá xuất ra thị trường năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở Lý Sơn đã xuất bán 180 tấn cá bớp, vượt 60 tấn so với năm 2018, giá trị đạt trên 23 tỷ đồng.
Theo các hộ nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn, cá bớp là đối tượng nuôi có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, nhanh lớn, ít xảy ra dịch bệnh, ít rủi ro, thức ăn của cá bớp chủ yếu là cá tạp, tỷ lệ sống cao hơn so với các đối tượng khác. Mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm hùm sang cá bớp thương phẩm bằng lồng bè, thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy hải sản được cải thiện, cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Phan Thanh Tồn, một người nuôi cá bớp thương phẩm ở huyện Lý Sơn chia sẻ: "So với ngành nghề khác thì nuôi cá bớp thu nhập cao hơn".
Huyện đảo Lý Sơn có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển lý tưởng và rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản, đặc biệt là nuôi cá bớp lồng trên biển. Trong những năm qua, địa phương đã hỗ trợ giống cá, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản cho người dân trên đảo.
Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè tại Lý Sơn đang phát triển mạnh, nhiều ngư dân mở rộng quy mô nuôi cá bớp thương phẩm.
Theo ông Trung: "Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng hỗ trợ cho 10 hộ dân mở rộng thêm thực hiện dự án nuôi cá bớp. Ngư dân rất ủng hộ và tiếp tục mở rộng, phát triển nghề nuôi cá bớp".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD